Sự cố mất điện diện rộng (blackout) xảy ra vào thứ Sáu đã ảnh hưởng đến gần một triệu người dùng điện tại một phần của Cộng hòa Séc. Một số người trong số họ có thể yêu cầu được bồi thường.

Ví dụ, công ty đường sắt quốc gia sẽ trả tiền đền bù cho hành khách khi tàu bị chậm. Các hộ gia đình có thể được bảo vệ chủ yếu nhờ bảo hiểm – có thể chi trả cho thực phẩm bị hỏng trong tủ lạnh hoặc tủ đông, hoặc thiết bị điện bị hư hỏng. Các doanh nghiệp cũng có thể mua bảo hiểm, nhưng hiện tại họ đang mong đợi sự trợ giúp từ nhà nước.
Sự cố mất điện đột ngột khiến gần như tất cả các hộ dân và doanh nghiệp bị bất ngờ. Điện ngắt chỉ trong tích tắc khiến mọi thiết bị ngừng hoạt động, nhiều hoạt động sản xuất bị tê liệt. Nếu điện bị mất tại nhà riêng, theo quy định, người dân không được yêu cầu bồi thường từ nhà nước. Tuy nhiên, họ có thể được bảo vệ thông qua bảo hiểm.
Người phát ngôn của công ty bảo hiểm Direct – ông Michal Kárný – khuyến nghị nên có hai loại bảo hiểm bổ sung trong trường hợp mất điện:
1. Bảo hiểm thực phẩm bị hỏng: “Nếu tủ lạnh hoặc tủ đông ngừng hoạt động do mất điện kéo dài hay hỏng hóc, chúng tôi sẽ chi trả phần giá trị thực phẩm hỏng trong giới hạn hợp đồng,” ông nói với CNN Prima NEWS.
2. Bảo hiểm thiệt hại thiết bị do chập điện: Bảo hiểm này cũng áp dụng với trường hợp bị sét đánh. “Loại bảo hiểm này bao phủ mọi thiệt hại hoặc phá hủy thiết bị điện và hệ thống điện do chập, quá áp hoặc sụt áp bất ngờ,” ông Kárný giải thích.
Các trường hợp quá áp hoặc sụt áp có thể làm hỏng thiết bị điện tử nếu có vấn đề với hệ thống phân phối điện.
Tuy nhiên, người dân cần lưu ý những điều kiện cụ thể của hợp đồng bảo hiểm. Chuyên gia bảo hiểm Tomáš Klápa từ công ty FinGO cho biết: “Để được bồi thường, không chỉ cần hợp đồng được thiết lập đúng mà còn cần tuân thủ đúng quy trình khai báo sự cố.” Ông nhấn mạnh cần chụp ảnh tài sản bị hư hỏng, đồng thời yêu cầu văn bản xác nhận từ đơn vị cung cấp điện và khai báo tổn thất càng sớm càng tốt.

Đường sắt Séc cung cấp bồi thường cho hành khách
Sự cố mất điện còn khiến nhiều phương tiện giao thông công cộng bị tê liệt. Cho đến nay, chỉ có hãng đường sắt quốc gia České dráhy triển khai chính sách đền bù – đây là hành động hiếm thấy vì các công ty vận tải không bắt buộc bồi thường nếu lý do gián đoạn nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.
Người phát ngôn của České dráhy – ông Petr Šťáhlavský cho biết: “Sự cố ảnh hưởng đến hàng chục tuyến và hàng trăm chuyến tàu, có những chuyến chậm lên tới hai tiếng rưỡi. Nhiều chuyến bị hủy hoàn toàn.” Khách mua vé online sẽ tự động nhận được hoàn tiền, còn những người khác phải gửi yêu cầu trong vòng 90 ngày kể từ ngày đi.
Doanh nghiệp yêu cầu hỗ trợ từ nhà nước
Phòng Thương mại, Hiệp hội Thương mại và Du lịch cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa yêu cầu nhà nước bồi thường tổn thất do mất điện kéo dài hai giờ. Dù ngay sau sự cố, Hiệp hội Thương mại đã xác nhận rằng không có nguy cơ thiếu thực phẩm và sự cố được khắc phục nhanh chóng ở nhiều nơi – “An toàn thực phẩm trong các siêu thị và trung tâm logistics vẫn được đảm bảo,” họ cho biết.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực ẩm thực nhấn mạnh rằng mất điện đúng giờ cao điểm buổi trưa khiến họ mất toàn bộ món ăn đã chuẩn bị và hàng nghìn lượt đặt chỗ, dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu.
Bộ trưởng Công thương Lukáš Vlček phát biểu rằng việc bồi thường chỉ có thể được cân nhắc nếu xác định rõ nguyên nhân cụ thể của sự cố mất điện.
Quan điểm chuyên gia: Không nên đổ lỗi cho nhà nước
Bình luận viên Marek Stoniš trên CNN Prima NEWS cho rằng: "Doanh nghiệp đã từng nhận hỗ trợ trong thời kỳ Covid, vì lúc đó họ buộc phải đóng cửa theo lệnh chính phủ. Nhưng blackout là bất khả kháng – không thể trách chính phủ được. Giống như việc sét đánh vào nhà vậy."
Chuyên gia chính trị học Pavel Šaradín cũng đồng tình và gọi yêu cầu bồi thường là "vô lý": “Không thể cứ mỗi chuyện không may lại bắt nhà nước trả tiền. Doanh nghiệp cần chuẩn bị và mua bảo hiểm. Trách nhiệm phải chia đều, không thể bắt toàn xã hội gánh vác tổn thất đó.”

Doanh nghiệp cũng có thể mua bảo hiểm
Giống như người dân, doanh nghiệp cũng có thể tự bảo vệ mình bằng các gói bảo hiểm. Ví dụ: bảo hiểm gián đoạn hoạt động hoặc gián đoạn nguồn cung năng lượng có thể bù đắp tổn thất khi ngừng hoạt động đột ngột. Tuy nhiên, cần đọc kỹ điều kiện hợp đồng – một số hợp đồng áp dụng thời gian khấu trừ, tức là chỉ bồi thường nếu gián đoạn kéo dài hơn mức quy định, ví dụ hai ngày. Trong khi đó, sự cố này chỉ kéo dài vài giờ và không gây thiệt hại lớn, nên khả năng các công ty bảo hiểm phải xử lý yêu cầu sẽ rất ít – theo ông Klápa.
Các sự cố mất điện trước đây
Tình trạng mất điện đã xảy ra nhiều lần trong quá khứ. Ví dụ:
- Tháng 2/2017: một phần Praha bị mất điện do trục trặc tại trạm điện Chodov, dừng cả tàu và phương tiện công cộng – kéo dài nửa giờ.
- Năm 2013: cháy trạm biến áp tại Chodov khiến 1/3 Praha bị mất điện.
- Tháng 6/2022: mất điện diện rộng làm tê liệt giao thông – nhưng khi đó các doanh nghiệp không hề yêu cầu bồi thường hàng loạt.
Người dân có thể nhận bồi thường qua bảo hiểm, doanh nghiệp cũng vậy. Việc hỗ trợ từ nhà nước phải cân nhắc thật kỹ và cần minh bạch về nguyên nhân sự cố.
(Theo CNN Prima news)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này