Chiều tối 22-7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Nội dung hội nghị bàn thảo về việc đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2025, tạo đà tăng trưởng hai con số giai đoạn tiếp theo.
Nắm chắc tình hình để chủ động ứng phó
Hội nghị vừa diễn ra, được kết nối trực tuyến với các đại sứ quán, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, với nhiều ý kiến thảo luận kết quả công tác ngoại giao kinh tế 6 tháng đầu năm 2025, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, rút ra bài học kinh nghiệm để thực hiện nhiệm vụ năm.
Kết luận, Thủ tướng khẳng định hội nghị nhằm tăng cường kết nối nền kinh tế của Việt Nam với các nền kinh tế thế giới; kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, kết nối các hợp tác thông qua các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài… để thực hiện Nghị quyết 59 của Bộ Chính trị.
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến rất nhanh, khó lường, ông yêu cầu các Đại sứ, Tổng lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài phải nắm chắc tình hình sở tại, tình hình "đối tác - đối tượng". Từ đó dự báo, đánh giá, báo cáo đề xuất các giải pháp, đặc biệt là không để bị động, bất ngờ về đối ngoại.
Các bên liên quan cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với tinh thần "ngoại giao kinh tế là một trong những trọng tâm của ngoại giao thời đại mới" theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, tăng tốc, bứt phá, cụ thể hóa, triển khai ngay các thỏa thuận cấp cao, tận dụng tối đa các thời cơ, cơ hội.
Qua đó kết nối nền kinh tế Việt Nam với các nền kinh tế trên thế giới; kết nối doanh nghiệp; kết nối chuỗi cung ứng; thúc đẩy đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do; khai thác các thị trường truyền thống và khai mở những thị trường mới; thu hút các nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu phục vụ quá trình phát triển, hiện đại hóa đất nước.
Từ đó góp phần tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu và đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ 8,3-8,5% trong năm 2025 và các mục tiêu đã đề ra cho cả nhiệm kỳ, hướng tới thực hiện 2 mục tiêu 100 năm đã đề ra.
Đa dạng hóa thị trường, khai thác hiệu quả các FTA
Về giải pháp, Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh đối thoại tư vấn chính sách mang tính chất "nhìn xa, trông rộng, nghĩ sâu, làm lớn", đánh giá đối tượng - đối tác chính xác. Tiếp tục đưa quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, bền vững, lâu dài trên cơ sở tin cậy, chân thành, hài hòa lợi ích, tạo lập những đột phá mới, giải quyết hiệu quả các vấn đề lớn phát sinh trong quan hệ.
Triển khai đồng bộ các giải pháp đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thúc đẩy xúc tiến thương mại; khai thác hiệu quả 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, thúc đẩy ký các FTA mới với các thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin, Trung Á, Ấn Độ, Brazil...
Thủ tướng lưu ý sớm kết thúc đàm phán FTA với MERCOSUR, Brazil; thúc đẩy ký Hiệp định thương mại gạo với 5 nước Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Brazil; cố gắng khởi động đàm phán FTA với Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC), Bangladesh, thỏa thuận thương mại ưu đãi với Pakistan...; thúc đẩy các dự án đường sắt kết nối với Trung Quốc, Trung Á.
Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trọng điểm (công nghệ, điện tử, ô tô, máy móc, dệt may, da giày...) mở rộng xuất khẩu, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả ở nước ngoài, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Sớm thúc đẩy ký kết MOU giữa Abu Dhabi (UAE) với Trung tâm tài chính quốc tế TP.HCM; học hỏi kinh nghiệm triển khai Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) của Kazakhstan; triển khai Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng giữa Đà Nẵng và liên danh Terne Holdings và The One Destination, Singapore...
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này