Đạo luật do Tổng thống Zelensky ký ban hành nhằm tước quyền tự chủ của hai cơ quan chống tham nhũng hàng đầu Ukraine đã thổi bùng làn sóng phản đối trong nước và gây lo ngại cho các đồng minh phương Tây.

Theo Hãng tin AFP ngày 23-7, động thái này không chỉ khiến nhiều người dân Kiev xuống đường biểu tình, mà còn vấp phải chỉ trích mạnh từ Liên minh châu Âu (EU) và các tổ chức quốc tế.
Việc này diễn ra trong bối cảnh Ukraine đang nỗ lực gia nhập EU và duy trì sự ủng hộ từ các đồng minh trong cuộc chiến với Nga.
Trao quyền trực tiếp cho tổng thống
Ngày 22-7, Quốc hội Ukraine đã thông qua đạo luật mới với 263 phiếu thuận và 13 phiếu chống, phần lớn đến từ đảng cầm quyền của ông Zelensky.
Một quan chức xác nhận với Hãng tin AFP rằng Tổng thống Zelensky đã ký ban hành thành luật trong cùng ngày.
Theo quy định mới, Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine (NABU) và Văn phòng Công tố viên Chuyên trách Chống tham nhũng (SAPO) - hai cơ quan chủ chốt trong cuộc chiến chống tham nhũng - sẽ không còn hoạt động độc lập, mà chuyển sang chịu sự giám sát trực tiếp của tổng công tố viên, người do Tổng thống bổ nhiệm.
Được thành lập vào năm 2015, NABU có vai trò điều tra các vụ tham nhũng trong bộ máy nhà nước. Cơ quan này đã phanh phui nhiều vụ tham nhũng lớn, bao gồm cả các quan chức trong chính quyền ông Zelensky. Trong khi đó, SAPO phụ trách truy tố hình sự các vụ án tham nhũng khác.
Trong phát biểu sáng 23-7, ông Zelensky khẳng định NABU và SAPO vẫn sẽ tiếp tục làm việc bất chấp những thay đổi, và hệ thống chống tham nhũng của quốc gia cần được thanh lọc khỏi "ảnh hưởng từ Nga".
"Tổng công tố viên sẽ đảm bảo không ai thoát khỏi trừng phạt ở Ukraine", ông nói.
Tuy nhiên, các tổ chức giám sát lại cảnh báo nguy cơ can thiệp chính trị từ động thái này của nhà lãnh đạo Ukraine. Tổ chức Hành động Chống Tham nhũng cho rằng luật mới sẽ khiến NABU và SAPO mất hiệu lực, bởi tổng công tố viên được ông Zelensky chỉ định có thể "ngừng mọi cuộc điều tra liên quan đến bạn bè của tổng thống".
Trong nước và quốc tế lo ngại
Đạo luật mới đã châm ngòi cho cuộc biểu tình hiếm hoi tại thủ đô Kiev - điều hiếm thấy kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào quốc gia này năm 2022.
Hàng trăm người đã tập trung tại trung tâm thành phố, hô vang khẩu hiệu "Phủ quyết đạo luật" và chỉ trích việc thông qua dự luật này quá vội vã.
"Rõ ràng đây là một hành động có chủ đích", cô Anastasia, 26 tuổi, nhà thiết kế trò chơi điện tử, cho biết. Nhiều người biểu tình đã la ó khi biết tin ông Zelensky chính thức ký ban hành luật trên.
Những người chỉ trích lo ngại đạo luật mới là dấu hiệu cho thấy Ukraine đang đi ngược lại tiến trình dân chủ hóa kéo dài hơn một thập kỷ của đất nước này kể từ cuộc cách mạng Maidan năm 2014.
Thời gian qua, Ukraine đã thể hiện lập trường cứng rắn với tệ nạn tham nhũng, vừa để đáp ứng điều kiện gia nhập EU, vừa nhằm trấn an các đồng minh quốc tế đang viện trợ cuộc chiến. Tuy nhiên, các điều tra viên cho rằng nạn tham nhũng trong bộ máy điều hành Ukraine vẫn là vấn đề nghiêm trọng với quốc gia này.
Theo Tổ chức Minh bạch quốc tế, Ukraine xếp thứ 105/180 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số Cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2024 - cải thiện so với hạng 144 của năm 2013, song vẫn tồn tại nhiều thách thức với Ukraine trong cuộc chiến đẩy lùi tệ nạn tham nhũng.
Các đối tác quốc tế của Ukraine cũng bày tỏ những lo ngại trước hành động này của ông Zelensky.
"Tôi thực sự lo ngại trước cuộc bỏ phiếu hôm nay. Việc dỡ bỏ các biện pháp bảo vệ độc lập cho NABU là một bước thụt lùi nghiêm trọng", Ủy viên mở rộng EU Marta Kos viết trên mạng xã hội X.
Chủ tịch Ủy ban Chống tham nhũng của Quốc hội Ukraine, bà Anastasia Radina, nói rằng luật mới này đang đi ngược lại với tiêu chuẩn EU và có thể cản trở tiến trình gia nhập tổ chức của Ukraine.
Cựu Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, người đã rời chính phủ vào năm 2024, gọi đây là "ngày tồi tệ cho Ukraine". "Giờ tổng thống phải chọn - đứng về phía người dân, hoặc không", ông nhấn mạnh.
Căng thẳng đã gia tăng sau khi giới chức Ukraine hôm 21-7 tiến hành các cuộc vây bắt quy mô lớn tại NABU, bắt giữ một nhân viên bị tình nghi làm gián điệp cho Nga.
Các nhà quan sát lo ngại rằng sự kiện này đang bị chính quyền lợi dụng để siết chặt kiểm soát những cơ quan từng giữ vai trò then chốt trong tiến trình cải cách của Ukraine suốt thập kỷ qua.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này