Dự lây lan của bệnh viêm gan A tại Séc đang tiếp tục gia tăng. Theo dữ liệu của Viện Y tế Nhà nước Séc, từ đầu năm đến nay, đã có hơn 900 người nhiễm bệnh, cao hơn gần gấp 9 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Năm nay, căn bệnh này đã khiến 10 người tử vong, trong khi năm ngoái chỉ có 2 ca tử vong.
Theo Viện Y tế Nhà nước Séc, trong dân số đang gia tăng những người chưa từng mắc bệnh hoặc chưa được tiêm phòng, do đó họ có nguy cơ cao bị lây nhiễm khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc các vật dụng bị nhiễm. Hiện nay, số ca bệnh nhiều nhất được ghi nhận tại các vùng Středočeský (hơn 300ca), Moravskoslezský (hơn 100 ca) và Praha (hơn 310 ca).
Tại thủ đô Praha, bệnh viêm gan A lây lan rõ rệt trong nhóm người vô gia cư và những người sử dụng ma túy. Việc tuân thủ cách ly hoặc theo dõi những người có tiếp xúc với nhóm này là rất khó khăn. Vì vậy trạm vệ sinh dịch tễ Praha đã cung cấp vaccine
đến các trung tâm Naděje và Armády spásy, những nhóm người có nguy cơ sẽ được tiêm chủng miễn phí.
Viêm gan A, còn gọi là “bệnh đôi bàn tay bẩn,” cũng thường được người dân mang về từ nước ngoài. Chủ yếu là từ các nước Balkan, Bắc Phi hoặc Đông Nam Á, nơi tỷ lệ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, trong vài tháng gần đây, các nước láng giềng như Slovakia, Áo hay Hungary cũng không tránh khỏi nguy cơ. Ở các quốc gia này cũng đang phải đối mặt với sự lây lan mạnh mẽ của dịch bệnh.
Việc lây lan thường xảy ra ở các trại hè hoặc trường học ngoài trời, nơi trẻ em tụ tập đông. Dữ liệu cho thấy số người mắc nhiều nhất là trẻ em từ 5 đến 9 tuổi. Tuy nhiên, viêm gan A ở nhóm này có thể không biểu hiện rõ ràng. Bệnh cũng thường gặp ở người trưởng thành trong độ tuổi từ 35 đến 39.
Phần lớn các trường hợp có thể không có triệu chứng. Bệnh lây lan rất dễ dàng, chỉ cần không tuân thủ các thói quen vệ sinh cơ bản, như rửa tay thường xuyên và kỹ lưỡng.
Con người có thể bị nhiễm virus do virus được thải ra qua phân và truyền qua tay bị nhiễm bệnh, nhưng cũng có thể lây qua tiếp xúc với các vật dụng bị ô nhiễm. Ví dụ như tay nắm cửa hoặc tay vịn trong xe buýt hoặc tàu điện.
Khi đi du lịch nước ngoài, các chuyên gia từ Viện Y tế Nhà nước khuyến cáo du khách nên tránh ăn các loại rau sống hoặc trái cây không gọt vỏ hoặc không được nấu chín kỹ. Chuyên gia khuyến nghị nên đun sôi, nướng chín, gọt vỏ hoặc không ăn.
Kem lạnh cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ, và trong một số khu vực, nước uống cũng có thể bị ô nhiễm. Vì vậy, người dân nên tránh sử dụng nước máy công cộng tại các quốc gia nhiệt đới hoặc vùng có điều kiện vệ sinh kém.
Triệu chứng của viêm gan A ở giai đoạn đầu tương tự như cảm cúm, bao gồm sốt cao, buồn nôn, đau cơ, đau đầu hoặc đau bụng. Có thể xuất hiện cả sự thay đổi màu da hoặc lòng trắng. Việc lây nhiễm chủ yếu xảy ra do điều kiện vệ sinh kém. Bệnh có thể biểu hiện từ 15 đến 50 ngày sau khi tiếp xúc với người nhiễm bệnh.
Viêm gan A có thể phòng tránh bằng cách rửa tay kỹ càng, giữ vệ sinh cá nhân, tiếp cận nguồn nước uống an toàn và ăn uống thực phẩm đảm bảo vệ sinh.
Biện pháp phòng ngừa tốt nhất là tiêm chủng, lý tưởng là từ khi còn nhỏ, vì việc tiêm chủng đầy đủ sẽ bảo vệ lâu dài. Mặc dù tiêm chủng ngừa viêm gan A không bắt buộc như viêm gan B, nhưng những người có nguy cơ lây nhiễm cao nên tiêm. Ví dụ như nhân viên y tế và công tác xã hội, những người thường xuyên đi công tác ở các vùng có nguy cơ, hoặc người bị bệnh gan mãn tính.
Theo TN Nova
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này