Việc chuyển đổi xe xăng sang xe năng lượng sạch là xu hướng tất yếu, Hà Nội và TP.HCM đã và đang tập trung cho công cuộc này. Tại TP.HCM, các đơn vị xác định làm từng bước từ xe công cộng, 400.000 shipper.

Và để có thêm tính thuyết phục người dân chuyển đổi xe xăng sang xe điện, ngoài các chính sách hỗ trợ cho một số đối tượng, cần phải nhanh chóng đầu tư hạ tầng cho xe điện - từ phủ sóng trạm sạc, điểm sửa xe đến các tiêu chuẩn sạc ở nhà, chung cư cho an toàn.
Phủ sóng trạm sạc
Trong việc chuyển đổi xe xăng sang xe điện thì trạm sạc phải được đầu tư, đáp ứng nhu cầu - một trong những vấn đề mà người dân quan tâm hiện nay. Sáng 22-7, phóng viên Tuổi Trẻ đi một vòng khu vực trung tâm TP.HCM và một số chung cư ở phường Long Bình, Bình Trưng, Long Trường..., rất ít nơi có trạm sạc điện cho cả xe máy và ô tô.
Ngay loạt tuyến đường trung tâm TP.HCM như Nguyễn Thị Minh Khai, Lê Duẩn, Đinh Tiên Hoàng... và một số công viên gần đó cũng khó tìm ra điểm sạc điện.
8h30 sáng, phóng viên đến chung cư K. (phường Long Trường) ghi nhận ban quản lý tại đây bố trí tầng trệt và một phần sân để đậu ô tô và tầng 1 để xe máy của cư dân. Hầu hết cư dân chung cư này sử dụng xe xăng, chỉ lác đác 1 - 2 ô tô điện. Toàn bộ khu để xe không có chỗ đậu riêng cho xe điện, càng không bố trí trạm sạc.
Một chung cư cũ khác ở phường Bình Thạnh có khu vực để xe chật hẹp, không có chỗ đậu xe và sạc điện dành riêng cho xe điện. Thậm chí nhiều chủ ô tô phải đem xe ra đậu hàng dài đường sá xung quanh chung cư vì thiếu chỗ đậu.
Khi được hỏi, chị Ngọc Anh - một cư dân sống trong khu chung cư này - cho hay bãi xe tại đây nhỏ nên ban quản lý chỉ nhận mỗi hộ 1 ô tô và 2 xe máy. Các hộ đăng ký sau mà đã hết suất thì đành đậu ô tô ở ngoài, nên việc bố trí chỗ đậu xe riêng dành cho xe điện (cả xe máy và ô tô) là khó thực hiện bởi diện tích không cho phép.
"Xe máy điện thì được xếp chung xe máy xăng, nhưng không được sạc ở bãi. Tôi lân la hỏi các bãi xe tư nhân gần đó thì họ cũng không nhận giữ xe điện. Tôi bỏ ra một ngày đi quanh khu mình sống, nhưng mỏi mắt cũng không có trạm sạc điện nào...", chị Ngọc Anh nói.
Trong khi đó, anh Hoàng Tuấn, hiện sống tại một chung cư ở phường Khánh Hội, cho rằng TP.HCM và các địa phương muốn khuyến khích người dân chuyển đổi sang dùng xe điện, xe năng lượng xanh thì điều kiện tiên quyết là đầu tư hạ tầng trạm sạc điện dày đặc, phục vụ nhu cầu sạc điện cho lượng lớn xe máy và ô tô điện sau chuyển đổi.
Khi điều kiện sạc thuận tiện, người dân sẽ nhanh chóng ủng hộ chuyển đổi. "Tôi muốn đổi sang đi xe điện nhưng lại gặp khó khăn trong việc gửi xe, tìm chỗ sạc điện, lo lắng về việc tự đấu nối điện để sạc. Trước mắt nếu 400.000 shipper, tài xế giao hàng chuyển xe xăng sang xe điện thì sạc ở đâu cho đủ?", anh Tuấn đặt câu hỏi.
ThS Lê Thanh Hải - giám đốc Trung tâm tư vấn ứng dụng kinh tế thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM (HIDS) - cho biết hiện hạ tầng trạm sạc cho xe điện tại TP.HCM còn thiếu, hầu hết là các sáng kiến của doanh nghiệp tư nhân (như Công ty cổ phần Phát triển trạm sạc toàn cầu - V-Green) và chưa có dự án nào được đầu tư xây dựng hệ thống trạm sạc công cộng đồng bộ. V-Green vừa triển khai thêm trạm sạc trên một số vỉa hè trung tâm TP.HCM. Các trụ sạc này tích hợp cổng sạc cho cả xe máy điện.
Sớm đầu tư hàng ngàn điểm sạc và đổi pin công cộng
Trong đề án Chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện dành cho tài xế công nghệ và giao hàng của HIDS thống kê toàn TP.HCM hiện chỉ có khoảng 600 điểm sạc xe máy điện công cộng. Hạ tầng này chỉ đáp ứng dưới 10% nhu cầu dự kiến cho 350.000 - 400.000 xe điện hai bánh trong tương lai. Từ đó, đề án đặt ra mục tiêu xây dựng 3.000 điểm sạc và đổi pin công cộng trước tháng 12-2028, tức tăng gấp 5 lần so với hiện nay.
Tại Hà Nội, do thiếu các quy định cụ thể về cơ chế quản lý, chế độ báo cáo nên mới chỉ có một đơn vị là V-Green có báo cáo về việc lắp đặt trạm sạc với tổng số 1.000 trạm sạc, bao gồm cả trạm cá nhân và công cộng (trong đó trạm công cộng 120 - 150kw là 57 trạm, trạm Mix AC/DC là 259 trạm; trạm cá nhân, trụ AC là 684 trạm).
Trước thực tế trên, Sở Xây dựng Hà Nội đã tổ chức làm việc với nhiều đơn vị, tổ chức như Công ty cổ phần ô tô TMT, Công ty cổ phần Vingroup, V-Green, Công ty cổ phần Tập đoàn EVG để tìm ra những giải pháp cho phát triển hạ tầng trạm sạc tại thủ đô.
Qua buổi làm việc, Công ty TMT và Công ty EVG đề xuất trạm sạc dùng chung cho các hãng xe trên tại Hà Nội. Đồng thời Công ty TMT và Công ty cổ phần Vingroup cũng đã có báo cáo về chính sách hỗ trợ cho người dân trong thực hiện chuyển đổi phương tiện. "Các đơn vị đề xuất UBND TP cho phép sử dụng các địa điểm công cộng (trung tâm thương mại, bến xe, công viên...) để làm trạm sạc xe điện.
Bố trí các điểm sạc như thế nào? Theo HIDS phân tích hành trình tài xế, đánh giá các điểm sạc đảm bảo bán kính phục vụ dưới 800m trong các phường nội thành và dưới 2km tại các trục logistics liên tỉnh.
Cũng theo HIDS, dựa trên dữ liệu hành trình của tài xế, bố trí các trạm sạc nhanh trên 60kW tại các bãi dừng nghỉ lớn. Còn tại các điểm giao hàng trọng điểm sẽ đặt trạm đổi pin tốc độ cao dưới 90 giây.
Trạm sạc chậm 3,3kW sẽ lắp tại nhà xe chung cư khi tài xế nghỉ ban đêm. Mô hình phân lớp này giúp tối ưu chi phí và đáp ứng 98% nhu cầu nạp năng lượng cho tài xế công nghệ đến năm 2028. Đặc biệt, đề án cũng sẽ khuyến khích triển khai trạm sạc tích hợp đa phương tiện như dùng chung mặt bằng và hạ tầng điện.
Ra ngõ phải gặp trạm sạc
Việc phủ sóng trạm sạc cần phải có mặt bằng, vì thế cần phải có chính sách để có thể tận dụng các vị trí công cộng để phát triển trạm sạc, nơi đổi pin như cây xăng, chợ, UBND phường, công viên, trung tâm thương mại, bãi xe, nhà chờ xe buýt, chợ dân sinh, cây xăng chuyển đổi...
Trong đó cho phép sử dụng các vị trí công cộng để đặt trạm sạc hoặc trạm đổi pin, nghiên cứu ưu tiên xây trạm sạc tại quán cà phê, siêu thị tiện lợi và bãi đậu xe để tối ưu hóa thời gian chờ của tài xế.
Cụ thể hơn, HIDS kiến nghị UBND cấp cơ sở cần nhanh chóng công bố danh sách mặt bằng ưu tiên, áp dụng cho thuê ưu đãi hoặc miễn phí 1 - 3 năm đầu. Đồng thời các đơn vị liên quan giải quyết vấn đề về lưới điện, quá tải điện cũng được tính toán khi chuyển đổi xe xăng sang xe điện do nhu cầu sạc điện tăng cao...
Song song đó, chính quyền cần yêu cầu những dự án nhà ở, trung tâm thương mại xây dựng mới phải bố trí tối thiểu 35% không gian đỗ xe tích hợp hạ tầng sạc điện. Chủ đầu tư được giảm 50% tiền sử dụng đất liên quan, nếu hoàn thiện và bàn giao hạ tầng sạc đúng tiến độ. Có thể lồng ghép các quy định vào quy hoạch sử dụng đất đô thị, ràng buộc vào dự án bất động sản, tối ưu sử dụng quỹ đất công tạo điều kiện phủ hạ tầng trạm sạc kịp đáp ứng xu hướng chuyển đổi xanh.
Sở Xây dựng Hà Nội cũng xác định cần xây dựng kế hoạch tổng thể phát triển mạng lưới trạm sạc điện tại các khu vực đông dân cư, điểm đầu cuối tuyến vận tải, bến xe, trung tâm thương mại và các trục giao thông chính.
Đồng thời tổ chức khảo sát, phối hợp liên ngành lựa chọn vị trí phù hợp để lắp đặt trạm sạc thí điểm, bảo đảm kỹ thuật và tính kết nối. "Khuyến khích xã hội hóa đầu tư trạm sạc thông qua việc cho phép sử dụng linh hoạt hoặc tạm thời các loại đất phù hợp (đất công, đất giao thông, đất hành lang kỹ thuật...).
Ban hành thủ tục rút gọn, đơn giản hóa quy trình cấp phép xây dựng trạm sạc và chuyển đổi mục đích sử dụng đất (nếu cần thiết)", theo Sở Xây dựng Hà Nội. Ngoài ra, sở này cho biết Hà Nội cũng cần bổ sung tiêu chuẩn kỹ thuật và tích hợp vào quy hoạch đô thị. Cụ thể, thành phố sẽ xây dựng và ban hành bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến trạm sạc điện, trạm tiếp nhiên liệu sạch phù hợp với điều kiện tại Hà Nội và tương thích nhiều dòng phương tiện.
* Ông Nguyễn Hữu Phước Nguyên (CEO của Selex Motors, một start-up xe điện và năng lượng tại Việt Nam):
Vận dụng quy chuẩn trạm sạc quốc tế
Việt Nam chưa có quy chuẩn về hạ tầng trạm sạc nhưng quốc tế có các chuẩn sạc phổ biến từ các quốc gia và khu vực như Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ... Chúng ta nên tiếp thu quy chuẩn trạm sạc quốc tế này.
Vai trò của Nhà nước cần có một định hướng nên theo tiêu chuẩn nào, bởi hiện nay có khá nhiều tiêu chuẩn khác nhau nhưng chưa thống nhất được. Để người dân thuận lợi khi sử dụng xe điện, cần có tiêu chuẩn chung cho tất cả các loại xe.
Cũng có thể có 1 - 2 chuẩn sạc, nhưng cần có bộ chuyển đổi để các xe cũng có thể sạc được ở tất cả những nơi có trạm sạc, như thế rất thuận lợi.
* Tiến sĩ Nguyễn Phúc Khải (khoa điện - điện tử, Trường đại học Bách khoa TP.HCM):
Cần sớm có quy chuẩn trạm sạc
Chủ trương chuyển đổi từ xe xăng sang xe điện đối với phương tiện cá nhân tại một số khu vực là tốt, nhưng để hiệu quả thì cần có quy chuẩn, tiêu chuẩn về trạm sạc. Hiện nay vẫn chưa có tiêu chuẩn chung cho trạm sạc, mỗi hãng vẫn đầu tư xây dựng theo thiết kế của mình. Cần có tiêu chuẩn chung để áp dụng cho đồng bộ trên quy mô lớn.
Về nguồn điện cung cấp cho lĩnh vực xe điện thì cần đầu tư thêm hạ tầng điện phân phối, thậm chí nên có chính sách khuyến khích về giá điện cho việc đầu tư trạm sạc. Từ đó giúp việc đầu tư được thu hút hơn, đảm bảo về hạ tầng cung cấp điện cho việc chuyển đổi. Chính sách này ở Hàn Quốc đã áp dụng và rất hiệu quả.
Còn về nơi đặt trạm sạc ở các tòa nhà, chung cư cần bố trí ở khu vực riêng biệt. Có thể là khuôn viên riêng hoặc ở tầng trệt, chứ không nên đặt ở tầng hầm. Một vấn đề nữa là khi sạc xe máy, xe đạp điện tại nhà là không quá hao tốn điện năng nhưng cần chú ý đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ, không sạc ngay lối đi và cửa ra vào.
Có chính sách, có trạm sạc
Anh Nguyễn Tấn Lực - một tài xế xe công nghệ hai bánh - chia sẻ rất ủng hộ chủ trương chuyển đổi xanh. Dù vậy, cánh tài xế hiện nay thu nhập còn thấp, trung bình chạy 100 - 120km/ngày thì loại xe mà họ ưa chuộng vẫn là xe xăng do tiện lợi, nạp nhiên liệu được "mọi lúc, mọi nơi".
Việc đổi từ xe máy xăng sang xe máy điện khiến họ đứng trước rất nhiều câu hỏi về chi phí đổi xe, xe máy cũ có được thu đổi hay không; sạc điện ở đâu và sạc thế nào đảm bảo an toàn...
"Tôi thấy các tài xế công nghệ ô tô điện cứ tối lại tập trung ở một số điểm sạc như trung tâm thương mại để sạc, phải ngồi chờ suốt mấy tiếng đồng hồ. Số lượng trụ sạc cũng có giới hạn nên phải chờ tới lượt mình.
Còn xe điện hai bánh thì có thể sạc trực tiếp nhưng cũng bất tiện. Giả sử tôi đang đi giao hàng xa, bị hết pin dọc đường thì tìm điểm sạc hay đổi pin cũng rất khó khăn", anh Lực nói.
Một chuyên gia giao thông nhận định các địa phương đang đẩy nhanh chuyển đổi giao thông xanh. Để việc này được hiệu quả thì hạ tầng, trạm sạch phải đi trước một bước. Việc trước tiên là các cấp chính quyền cần nhanh chóng mở ra cơ chế, xây dựng chính sách đột phá trong vấn đề xây dựng mạng lưới trạm sạc làm cơ sở phát triển xe điện hiệu quả, bền vững.
Các địa phương sớm hoàn thiện quy hoạch, đầu tư vào hệ thống trạm sạc. Mở cửa cho tư nhân tham gia đấu thầu, đầu tư trạm sạc điện công cộng càng sớm càng tốt. Hệ thống trạm sạc phải tương thích để hãng xe điện nào cũng kết nối vào được, tránh lãng phí.
Cùng với đó là chính sách ưu đãi đầu tư trạm sạc, hỗ trợ tài xế chuyển đổi xe điện. Đối với nhà đầu tư thì triển khai cơ chế liên ngành để nhanh chóng ban hành các chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, tiêu chuẩn kỹ thuật và hỗ trợ bảo trì hạ tầng theo kinh nghiệm các nước trên thế giới. Còn đối với tài xế, chính quyền phải chú trọng đến hỗ trợ vay, miễn thuế, thu cũ đổi mới...
Theo PGS.TS Mai Tuấn Anh - Hội Nước và môi trường TP.HCM, trạm sạc là vấn đề cần tính ngay khi số lượng phương tiện cần sạc lớn đòi hỏi hạ tầng lớn về nguồn điện, dây dẫn... cũng như các phương tiện an toàn khác. Từ đó có thể phát triển các trạm đổi pin sạc đối với xe đạp và xe máy điện.
Sẽ có thêm 19 trạm sạc công cộng lớn cho xe buýt điện
Trung tâm quản lý giao thông công cộng (Sở Xây dựng TP.HCM) cho biết đang phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu đầu tư 19 trạm sạc lớn phục vụ xe buýt điện, tận dụng quỹ đất tại các bến bãi sẵn có. Các trạm này nhằm đáp ứng nhu cầu của gần 700 xe điện thuộc 47 tuyến buýt trợ giá, dự kiến vận hành đồng loạt từ năm 2027. Kinh phí đầu tư khoảng 400 tỉ đồng.
Vị trí các trạm được bố trí từ trung tâm đến vùng ven, tại các đầu mối giao thông như bến xe buýt Sài Gòn, Chợ Lớn, Văn Thánh, Bình Thái và các khu vực Tân Phú, Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ... Phần lớn các địa điểm này đang có chức năng bến xe, bãi hậu cần, sẵn hạ tầng cơ bản và sẽ bố trí diện tích cho xây dựng trạm sạc khoảng 50m2 đến gần 800m2.
"Khi có hạ tầng trạm sạc thì doanh nghiệp an tâm hơn tham gia chuyển đổi xe buýt điện, góp phần hướng tới mục tiêu xanh hóa 100% xe buýt ở TP.HCM vào năm 2030", đại diện trung tâm nói.
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này