Công ty Bảo hiểm y tế VZP cảnh báo về làn sóng mới của các email lừa đảo, nhằm mục đích truy cập vào tài khoản ngân hàng của khách hàng. Những email này giả mạo thông báo hoàn tiền thừa hoặc cảnh báo về việc chưa thanh toán bảo hiểm. Theo thông cáo báo chí của công ty bảo hiểm này, trong vòng 48 giờ qua, có thể đã có tới 100.000 email như vậy được gửi đi.
Phiên bản hiện tại của email lừa đảo đã được công bố trên trang web chính thức của công ty bảo hiểm. Theo ông Jan Svoboda, giám đốc Bộ phận An ninh của VZP, đã có nhiều nạn nhân liên hệ với tổng đài của công ty, trong đó một số trường hợp kẻ lừa đảo đã thành công trong việc chiếm đoạt thông tin.
Ông Svoboda cảnh báo: “Không hiếm các trường hợp cá nhân bị thiệt hại lên đến hàng trăm nghìn korun. Trong tình huống như vậy, điều cần làm là liên hệ ngay với cảnh sát và thông báo cho ngân hàng của mình càng sớm càng tốt, để kiểm tra xem liệu có thể cứu được ít nhất một phần tiền tiết kiệm hay không. Tuy nhiên, biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là hoàn toàn phớt lờ những thông báo như vậy”.
Theo ông, hiện nay, hình thức email lừa đảo phổ biến nhất là những thư cố gắng tạo ấn tượng rằng khách hàng có quyền nhận lại khoản tiền thừa, hoặc thông báo rằng VZP ghi nhận việc chậm thanh toán phí bảo hiểm. Trong cả hai trường hợp này đều là hành vi lừa đảo, yêu cầu người nhận cập nhật thông tin ngân hàng. Việc điền vào các dữ liệu đó chính là cách người dân vô tình trao quyền để kẻ gian rút sạch tài khoản của mình.
Theo ông Svoboda, công ty bảo hiểm chưa bao giờ yêu cầu khách hàng cập nhật thông tin ngân hàng – kể cả trong trường hợp khách hàng được hoàn tiền thừa hoặc còn nợ phí bảo hiểm. “Luôn kiểm tra kỹ xem ai là người gửi email và nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy liên hệ với đường dây thông tin của VZP theo số 952 222 222,” ông khuyến cáo.
Một dấu hiệu nhận biết lừa đảo khác có thể đến từ chính địa chỉ email gửi đi. VZP chỉ sử dụng một tên miền chính thức duy nhất: vzp.cz.
Công ty bảo hiểm đã nhiều lần cảnh báo về các hình thức lừa đảo mà kẻ gian thực hiện dưới danh nghĩa của mình. Trong hai năm gần đây, ngoài các email giả mạo, VZP còn cảnh báo về các tin nhắn SMS lừa đảo cũng như những tin nhắn được gửi thông qua ứng dụng WhatsApp.
Nguồn: iDnes
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này