Cộng hòa Séc đã cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng tự do báo chí thường niên do tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố. Quốc gia này đã tăng 7 bậc để xếp hạng 10.

Một trong những yếu tố góp phần vào kết quả này là nỗ lực đảm bảo nguồn tài chính bền vững cho các phương tiện truyền thông công (các đài, báo nhà nước). Tổ chức RSF nhấn mạnh rằng dù các cuộc tấn công thể chất vào nhà báo là hành vi dễ thấy nhất, thì áp lực kinh tế cũng là một vấn đề nghiêm trọng nhưng kín đáo hơn nhiều.
Na Uy tiếp tục dẫn đầu bảng xếp hạng. Trái với Séc, Slovakia lại tụt 9 bậc, xuống vị trí thứ 38 trong số 180 quốc gia được đánh giá.
Tự do báo chí đang suy giảm đáng lo ngại ở nhiều nơi trên thế giới, và trong đó yếu tố kinh tế đóng vai trò lớn, dù thường bị xem nhẹ – theo RSF. Các cơ quan truyền thông hiện bị mắc kẹt giữa hai thách thức lớn: giữ vững độc lập và đảm bảo sống sót về mặt tài chính. RSF chỉ rõ vấn đề tập trung quyền sở hữu báo chí ngày càng gia tăng, thậm chí tại các quốc gia giữ vị trí cao trong bảng xếp hạng như Séc. Ngoài ra còn có áp lực từ các nhà tài trợ, nhà quảng cáo, cùng với sự hỗ trợ tài chính công hạn chế hoặc thiếu minh bạch.
Việc cấp kinh phí cho các phương tiện truyền thông công hiện là một phép thử thực sự về mức độ mà một quốc gia coi trọng và hỗ trợ ngành báo chí – theo RSF. Séc được ghi nhận là đã có những bước đi nhằm củng cố tính bền vững trong ngân sách dành cho truyền thông công, trái ngược với Đức (đứng thứ 11) hay Pháp (thứ 25). Tại Slovakia, truyền thông công đang đối mặt với khủng hoảng tồn tại do cắt giảm ngân sách và sự kiểm soát chính trị.
Tình hình nghiêm trọng nhất được RSF nhắc đến là ở Palestine, hiện xếp thứ 163. Theo báo cáo của tổ chức, quân đội Israel đã sát hại gần 200 nhà báo tại Dải Gaza, phá hủy các trụ sở báo chí và áp đặt phong tỏa kéo dài hơn 18 tháng. Israel vì vậy đã tụt 11 bậc, xếp thứ 112.
Palestine nằm trong số 42 quốc gia nơi mà RSF đánh giá tự do báo chí đang ở mức “rất nghiêm trọng”. Trong các quốc gia này – hiện là nơi sinh sống của hơn một nửa dân số thế giới – quyền tự do báo chí không được đảm bảo và việc hành nghề báo chí tiềm ẩn rủi ro lớn. Hong Kong là quốc gia mới nhất được xếp vào nhóm nguy hiểm này trong năm nay.
RSF cũng cảnh báo rằng truyền thông độc lập tại châu Âu và Trung Á đang phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế chưa từng có, vốn bị trầm trọng thêm do việc cắt viện trợ đột ngột từ Mỹ và ảnh hưởng ngày càng mạnh của tuyên truyền từ phía Nga. Theo tổ chức, lĩnh vực truyền thông độc lập tại đây càng tổn thất nặng nề hơn do việc ngân sách dành cho Đài Tự do (RFE/RL) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) bị chính quyền của Tổng thống Donald Trump cắt giảm.
Đối với Ukraine – xếp thứ 62 – khoảng 90% các tòa soạn sống sót nhờ vào nguồn tài trợ, chủ yếu từ Hoa Kỳ, theo RSF. Cắt giảm tài trợ có thể đe dọa sự tồn tại của báo chí chân thực và việc đưa tin về các tội ác chiến tranh của Nga.
Top 10 quốc gia đứng đầu bảng xếp hạng về tự do báo chí năm nay gồm: Na Uy, Estonia, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Ireland, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ và Cộng hòa Séc. Hoa Kỳ tụt 2 bậc xuống vị trí thứ 57, Nga tụt 9 bậc xuống vị trí 171. Đứng cuối bảng xếp hạng là Eritrea.
(Theo Novinky)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này