Sau 6 thập kỷ lèo lái Berkshire Hathaway thành "đế chế" trị giá hơn 1.160 tỷ USD, tỷ phú Warren Buffett sẽ chính thức rút lui vào cuối năm nay và trao quyền kế nhiệm cho Greg Abel.

Theo Bloomberg, tỷ phú Warren Buffett, huyền thoại đầu tư đã đưa Berkshire Hathaway trở thành tập đoàn trị giá hơn 1.160 tỷ USD, sẽ chính thức rời vị trí điều hành công ty vào cuối năm nay sau 6 thập kỷ lèo lái "đế chế" này. Greg Abel, Phó chủ tịch phụ trách mảng kinh doanh phi bảo hiểm, được giao tiếp quản vị trí này.
Buffett, nay đã 94 tuổi, xác nhận thông tin này tại Đại hội đồng cổ đông thường niên Berkshire tổ chức ở Omaha, Nebraska hôm 3/5. Ngay cả Abel cũng không biết trước rằng tin tức sẽ được công bố vào lúc đại hội gần kết thúc.
“Đó là cú chốt trong ngày. Cảm ơn mọi người đã đến”, Buffett tuyên bố.
Nhiều thương vụ để đời
Dưới sự dẫn dắt của Buffett cùng cố vấn thân cận Charlie Munger (mất năm 2023 ở tuổi 99), Berkshire liên tục mở rộng thông qua các thương vụ mua lại và đầu tư chứng khoán. Danh mục doanh nghiệp đa dạng đến mức chính Buffett từng ví Berkshire như phiên bản thu nhỏ của nền kinh tế Mỹ. Với ông, đầu tư vào Berkshire cũng chính là đặt cược vào nước Mỹ.
Năm 2015, trong một lá thư gửi cổ đông, Buffett từng viết: “Berkshire có thể lựa chọn những cơ hội mà phần lớn các công ty không bao giờ chạm tới”.
Ông có ảnh hưởng lớn đến cả giới đầu tư lẫn chính trị. Mỗi năm, hàng chục nghìn cổ đông đổ về Omaha để tham dự đại hội cổ đông. Đây là nơi Buffett chia sẻ quan điểm không chỉ về đầu tư mà còn về cuộc sống.
Trong suốt giai đoạn 1965-2024, cổ phiếu Berkshire tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm - gấp đôi hiệu suất của chỉ số S&P 500. Nhờ đó, Buffett có đủ ảnh hưởng để xoay chuyển thị trường cũng như thương lượng được các thỏa thuận hàng tỷ USD với những “ông lớn” như Goldman Sachs hay General Electric trong thời kỳ khủng hoảng.
Buffett bắt đầu sự nghiệp với triết lý đầu tư của Benjamin Graham, rồi dần dấn thân vào giới kinh doanh khi quỹ Buffett Partnership mua cổ phiếu Berkshire - lúc đó chỉ là một công ty dệt may đang hấp hối. Sau khi tiếp quản vào năm 1965, ông biến công ty này thành nền tảng để xây dựng Berkshire ngày nay - một tập đoàn đa ngành khổng lồ, đặc biệt nổi bật trong mảng bảo hiểm, nơi tạo ra dòng tiền khổng lồ hỗ trợ chiến lược đầu tư.
Hiện Berkshire sở hữu các công ty lớn như hãng đường sắt BNSF, hãng bảo hiểm Geico, chuỗi cửa hàng Dairy Queen, See’s Candies cùng hàng loạt doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng, tài chính và bán lẻ.
Năm 2024, lợi nhuận hoạt động của Berkshire đạt hơn 47 tỷ USD. Ngoài ra, danh mục cổ phiếu niêm yết của tập đoàn cũng tạo ra lợi nhuận khổng lồ với các khoản đầu tư lớn vào Apple, American Express và nhiều cái tên khác.
Ông luôn lạc quan về nước Mỹ. Năm 2009, khi chi 26 tỷ USD mua lại BNSF, Buffett gọi đây là “canh bạc tất tay vào tương lai kinh tế Mỹ”.
Trong thư năm 2015, ông viết: “Xu hướng nâng cao năng suất là yếu tố cốt lõi khiến nước Mỹ vĩ đại”. Ông nói thêm, sản lượng kinh tế bình quân đầu người của Mỹ trong cuộc đời ông đã tăng gấp 6 lần - vượt xa mọi kỳ vọng của thế hệ trước.
Tiền chất đống, thương vụ vắng bóng
Những năm gần đây, Buffett gặp khó trong việc tìm các thương vụ đủ hấp dẫn. Trong đại dịch, ông hầu như không mua gì do định giá thị trường quá cao, khiến lượng tiền mặt của Berkshire ngày càng lớn mà không có chỗ tiêu hiệu quả. Thay vì mua lại công ty, ông chọn giải pháp mua cổ phiếu quỹ.
Dù vậy, năm 2022, ông bất ngờ chi 11,6 tỷ USD thâu tóm Alleghany Corp.
Năm ngoái, Buffett than phiền rằng không còn thương vụ nào đủ lớn để mang lại kết quả đột phá cho Berkshire, bởi các công ty có quy mô phù hợp “đã bị chúng tôi và người khác sàng lọc quá nhiều lần”. Trong khi ông bán bớt cổ phần ở Apple và Bank of America mà không thực hiện thương vụ lớn nào mới, tiền mặt của Berkshire tiếp tục tăng, đạt gần 348 tỷ USD vào cuối quý I/2025.
Tất nhiên, không phải khoản đầu tư nào cũng thành công. Buffett từng thừa nhận đã sai khi trả giá quá cao cho Precision Castparts - một thương vụ khiến Berkshire lỗ 10 tỷ USD. Ông và Munger cũng từng chậm chân trong việc nhận ra tiềm năng của cổ phiếu công nghệ, dù sau đó đã kịp “lên tàu” với Apple.
Dù vậy, hồ sơ đầu tư dài hạn của Buffett vẫn khiến nhiều nhà đầu tư kính nể.
Tại đại hội cổ đông thường niên, ông cùng Munger từng chia sẻ nhiều góc nhìn hài hước nhưng sâu sắc từ đầu tư, tiền điện tử đến quan điểm sống. Những câu nói “để đời” của ông cũng được trích dẫn rộng rãi.
Chẳng hạn khi nói về vụ bê bối tại Wells Fargo, ông ví von: “Trong bếp không bao giờ chỉ có một con gián”. Hay trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008, ông nói: “Chỉ khi thủy triều rút mới biết ai đang bơi mà không mặc đồ”.
Dù điều hành cả một đế chế khổng lồ, Buffett lại có cách quản trị rất giản đơn. Ông gần như để các công ty con tự vận hành và chỉ can thiệp khi cần thiết. Vai trò quan trọng nhất của ông là phân bổ vốn - quyết định tiền nên đi đâu về đâu. Phần lớn thời gian, ông chỉ đọc sách trong văn phòng khiêm tốn ở Omaha, nơi chỉ có 27 nhân viên.
“Buffett thành công cũng giống như Federer giỏi quần vợt. Vì ông tập trung cao độ vào một việc, làm nó liên tục suốt 50 năm và không bị phân tán”, Charlie Munger từng chia sẻ.
(Nguồn: Zingnews)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này