Đến lễ hội, khách tham quan nhanh chóng bị đánh thức mọi giác quan, qua đó cảm nhận rõ hơn về một đất nước Việt Nam giàu truyền thống từ ẩm thực đến nghệ thuật, lịch sử.

Những ngày qua, nhiều đoàn khách du lịch quốc tế và người dân Nga không khỏi tò mò trước một khu vực xanh ngát với tre, trúc ngay tại khu vực quảng trường Đỏ.
Đúng 17h ngày 25-7 (giờ địa phương), tiếng trống hội vang lên, rộn rã một góc quảng trường được ví như trái tim của nước Nga và thủ đô Matxcơva. Đó là thanh âm báo hiệu Lễ hội văn hóa Việt Nam 2025, lễ hội văn hóa đầu tiên của Việt Nam được tổ chức ở khu vực quảng trường Đỏ chính thức bắt đầu.
Việt Nam yên bình và tươi đẹp
Háo hức, nôn nao xen lẫn tò mò, rất nhiều du khách, bạn bè Nga đã tập trung trước chiếc cổng tam quan đặc trưng của Việt Nam từ khá lâu trước giờ khai mạc. Sau lễ khai mạc với phát biểu của Phu nhân Tổng Bí thư Tô Lâm, bà Ngô Phương Ly, từng dòng người nô nức tiến vào khu vực lễ hội.
Khu giới thiệu và trưng bày sản phẩm sơn mài mang chủ đề "Vườn sơn: Sắc màu nhiệt đới" nhận được nhiều sự chú ý của du khách, với các tác phẩm nhiều màu sắc và tinh tế do đích thân Phu nhân Ngô Phương Ly thiết kế.
Các sản phẩm sơn mài do Phu nhân Ngô Phương Ly thiết kế dành riêng cho lễ hội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Từng đến Việt Nam du lịch một lần nên khi biết có lễ hội văn hóa tại quảng trường Đỏ, bà Lyudmila Nikolaevna đã cất công đến ngay.
"Những sản phẩm ở đây rất đẹp và độc đáo, tôi chưa từng thấy thứ nào tương tự khi đến Việt Nam. Cảm ơn những người bạn Việt Nam đã không quản đường xa mang các sản phẩm này đến với công chúng Nga", bà chia sẻ.
Tiếc nuối vì không thể mang về nhà một sản phẩm sơn mài, bà Nikolaevna tin rằng nếu chúng được mở bán, tất cả sẽ được mua hết ngay lập tức vì mọi người đều yêu thích vẻ đẹp này. Bà cũng hóm hỉnh gợi ý nên tổ chức đấu giá vì sự tinh xảo của sản phẩm.
Người mẫu Nga trình diễn áo dài của nhà thiết kế Vũ Việt Hà - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Khoác lên người áo dài của nhà thiết kế Vũ Việt Hà, hai người mẫu Nga Alala Tsikhanouskaya và Alaya Magistrov chia sẻ chiếc áo vừa mang những nét đẹp truyền thống, đậm chất văn hóa của Việt Nam như một bộ lễ phục nhưng cũng mang dáng dấp của một trang phục hiện đại.
Chỉ ra những hoa văn đậm chất Việt, cả hai cảm thấy vui khi được mặc áo dài tại lễ hội văn hóa, mong có thể mặc mỗi ngày.
Được ăn, được chơi, được gói mang về
Là một phần không thể thiếu của bất kỳ lễ hội văn hóa nào, khu ẩm thực Việt Nam luôn trong tình trạng đông nghẹt người sau khi khai mạc.
Hơi tiếc nuối vì chưa chen chân được vào gian hàng nào do quá đông và cũng mới đến, cha con anh Matvey Karepov và Ilya Karepov vẫn cảm thấy rất háo hức trước bầu không khí náo nhiệt của lễ hội và sự thân thiện, mến khách của người Việt Nam.
Người cha chia sẻ dù chưa một lần đến mảnh đất chữ S nhưng qua các gian hàng và cách bài trí, đất nước Việt Nam hiện lên trong suy nghĩ của ông là một vùng đất yên bình, ấm áp và vô cùng gần gũi.
Cầm trên tay hai ổ bánh mì Việt Nam, một trong những món ăn đường phố ngon nhất thế giới, hai bạn trẻ Rina Parson và Valery Sherman chia sẻ "thấy no căng" trước sự đầy đặn của các loại nhân thịt cùng cảm giác mới lạ khi được trải nghiệm món ăn này.
Dù đã khá no nhưng hai bạn vẫn muốn ăn thêm bánh bao và uống trà chanh cho… đã thèm.
Hai bạn trẻ Rina Parson và Valery Sherman no căng với bánh mì Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Mang theo cả gia đình bốn người đến lễ hội, cha con anh Andrey Serzhpinsky và Yurilov Serzhpinsky đã kịp "bỏ bụng" vài món ăn của Việt Nam, đặc biệt gỏi cuốn tôm vì ở Nga không tìm đâu được món tương tự vừa có rau, vừa có tôm tươi ngon được cuộn lại chấm với nước mắm chua ngọt.
"Chúng tôi chưa từng đến Việt Nam nhưng sau khi tới lễ hội tại quảng trường Đỏ lần này, ý tưởng kỳ nghỉ tiếp theo sẽ ở đất nước của các bạn đã nhen nhóm trong đầu chúng tôi", anh Serzhpinsky vui vẻ đáp.
Không chỉ là nơi quảng bá hình ảnh, văn hóa đất nước và con người Việt Nam đến bạn bè quốc tế, lễ hội còn là điểm hẹn của những người Việt Nam ở Nga. Trong ngày đầu lễ hội, nhiều gia đình và bạn trẻ đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nga đã đến tìm lại phong vị quê hương.
Bạn Trần Việt Hà, sinh viên năm nhất Trường Kinh tế cao cấp HSE nhưng đã hơn 5 năm sống ở Nga, chia sẻ cảm giác "như trở về quê hương" và cảm thấy một Việt Nam thu nhỏ ở quảng trường Đỏ khi đến lễ hội.
"Rất đông bạn bè của em đến lễ hội này. Những món ăn tại đây, trong đó có bánh mì, mang hương vị gần giống ở Việt Nam nhất và không thể tìm thấy ở đâu trên đất Nga", Việt Hà bộc bạch.
Nhiều du khách Nga tìm hiểu vẻ đẹp tinh tế của các sản phẩm sơn mài Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một du khách đến lễ hội thích thú với chiếc áo dài Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Em bé Nga thử đánh đàn T'rưng, chiếc đàn mang âm thanh của núi rừng Tây Nguyên - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Khu trưng bày và trải nghiệm nhạc cụ truyền thống Việt Nam thu hút đông đảo các "nghệ sĩ nhí" của nước Nga - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Hai cha con người Nga "du lịch Việt Nam" qua triển lãm ảnh tại lễ hội - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Gian hàng cà phê Việt Nam hút khách đến tham quan và trải nghiệm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Cồng chiêng Tây Nguyên được bài trí tại gian hàng cà phê, giúp khách tham quan vừa được uống vừa được trải nghiệm đặc trưng văn hóa của vùng đất trứ danh với cà phê - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tạo dáng bên áo dài Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Gian hàng cốm của nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết thu hút đông đảo khách ghé thăm - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Những hình ảnh hết sức quen thuộc, đặc trưng Việt Nam hiện diện ngay quảng trường Đỏ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Khách tham quan chìm đắm trong các giai điệu Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một tiếc mục biểu diễn cho người xem cái nhìn về múa rối cạn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Không thể thiếu trong các loại hình múa rối dân gian là múa rối nước, cho công chúng Nga cảm nhận về sự đa dạng của văn hóa Việt Nam - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chuồn chuồn tre, một món đồ chơi dân dã đi vào ký ức của nhiều trẻ em Việt Nam, cũng "bay" đến Matxcơva - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Lễ hội văn hóa Việt Nam 2025 tại quảng trường Đỏ đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng bạn bè Nga và du khách quốc tế ngay từ ngày đầu khai mạc - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Lễ hội văn hóa Việt Nam kéo dài từ ngày 25-7 đến ngày 3-8-2025. Trong suốt 10 ngày diễn ra lễ hội, người dân Nga và du khách các nước đến với quảng trường Đỏ sẽ được chìm đắm trong sắc hương vị đậm chất Việt Nam.
Bên cạnh các hoạt động chính, lễ hội còn có không gian tương tác nhạc cụ truyền thống Việt Nam với đàn T'rưng, K'Longput có nghệ sĩ giao lưu tương tác, hướng dẫn khách tham quan trải nghiệm chơi nhạc cụ truyền thống Việt Nam.
Du khách cũng có thể tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm làm tò he, vẽ tranh Đông Hồ, làm quen với nghệ thuật sơn mài và các điệu múa dân tộc Việt, múa sạp…
(Nguồn: Tuoitre)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này