Vẫn còn nhiều người dân tại Séc coi tiền mặt là phương thức thanh toán an toàn nhất, bất chấp việc thanh toán không bằng tiền mặt ngày càng phổ biến. Dù vậy, có nhiều nơi người dân không thể mua hàng bằng tiền mặt, điển hình là các lễ hội mùa hè. Trong khi đó, luật pháp quy định rằng, các thương nhân phải chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt.
Ngày càng có nhiều người ưu tiên thanh toán bằng thẻ, điện thoại di động hoặc đồng hồ thông minh, nhưng cũng có lượng lớn người dân xem tiền mặt là phương thức thanh toán an toàn nhất.
Những trải nghiệm thực tế gần đây tại các lễ hội, buổi hòa nhạc và các sự kiện văn hóa khác cho thấy việc thanh toán bằng tiền mặt đang dần biến mất khỏi các hoạt động như vậy. Thông thường, chỉ có thể thanh toán bằng thẻ hoặc vòng tay nạp tiền trước. Người dân thậm chí có thể gặp việc bị từ chối nhận tiền mặt tại các quầy hàng hay nhà hàng.
Trong khi đó, nghĩa vụ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt được quy định trong luật về lưu thông tiền giấy và tiền xu. Tuy nhiên, luật này không kèm theo bất kỳ hình phạt nào đối với hành vi vi phạm, nên nghĩa vụ đó thực tế không thể cưỡng chế thi hành. Ngân hàng Quốc gia Séc (ČNB) là cơ quan giám sát việc tuân thủ luật này.
Phát ngôn viên của Ngân hàng Trung ương Jaroslav Krejčí cho biết, nếu phát hiện cửa hàng vi phạm nghĩa vụ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt, họ có thể cảnh báo nhưng, họ không có quyền phạt.
Trước đây tại Cộng hòa Séc đã có những nỗ lực để ghi nhận quyền thanh toán bằng tiền mặt trong Hiến pháp. Năm ngoái, một nhóm 17 thượng nghị sĩ đã đề xuất điều này như một phần của quyền có "cuộc sống offline". Hiện đề xuất đang chờ được thảo luận tại Thượng viện. Theo tác giả đề xuất, một trong những lý do là nguy cơ mất điện diện rộng (blackout). Thanh toán bằng tiền mặt là một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng quốc gia thiết yếu, và nó cần phải có khả năng hoạt động khi không có kết nối mạng.
Sự cố mất điện lớn vào tháng 6 vừa qua đã phơi bày những điểm yếu của phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Những người muốn thanh toán bằng thẻ đều gặp khó khăn. Việc rút tiền mặt cũng không khả thi vì các cây ATM ngừng hoạt động. Những người có tiền mặt trong túi vì thế được lợi thế hơn.
Ngược lại, Bộ Tài chính phản đối việc ghi nhận quyền thanh toán bằng tiền mặt trong Hiến pháp. Người phát ngôn Stefan Fous của bộ cho biết: “Ở cấp độ hiến pháp, chỉ nên điều chỉnh những vấn đề then chốt nhất liên quan đến hoạt động của nhà nước hoặc các quyền tự do và nhân quyền. Nghĩa vụ chấp nhận thanh toán bằng tiền mặt không thuộc loại vấn đề như vậy.” Theo ông, việc điều chỉnh ở mức luật thông thường là đủ.
Do không có hình phạt nên các nhà bán lẻ không có nhiều động lực để tuân thủ nghĩa vụ này. Việc Ngân hàng Trung ương cảnh báo vì vậy mang tính chất tạo hiệu ứng tâm lý nhiều hơn.
Lý do không có hình phạt, theo Vladimír Rýlich từ văn phòng luật Clifford Chance, là bởi luật liên quan được ban hành từ năm 2011. Vào thời điểm đó, phần lớn người dân vẫn thanh toán hằng ngày chủ yếu bằng tiền mặt, còn thanh toán bằng thẻ thì vẫn là số ít.
Luật cũng quy định các trường hợp ngoại lệ mà người bán có quyền từ chối thanh toán bằng tiền mặt. Người phát ngôn Ngân hàng Trung ương, ông Krejčí, cho biết: “Người bán có quyền từ chối tiền mặt, ví dụ khi có hơn 50 đồng xu trong một lần thanh toán, khi tiền giấy hoặc tiền xu bị hư hỏng, hoặc khi nghi ngờ tiền giả.” Các cửa hàng trực tuyến cũng không bắt buộc phải chấp nhận tiền mặt.
Nếu khoản thanh toán vượt quá 270 nghìn korun, theo luật người bán phải từ chối. Mục tiêu của quy định này là giảm thiểu rủi ro trốn thuế và rửa tiền. Trong tương lai, mức giới hạn này sẽ còn được hạ thấp hơn nữa, sau khi các quốc gia Liên minh Châu Âu đã đạt được thỏa thuận vào năm ngoái.
Mặc dù trong luật không có quy định hình phạt đối với việc từ chối thanh toán bằng tiền mặt, theo Ngân hàng Trung ương, điều đó không có nghĩa là quy định này có thể bị bỏ qua. Người phát ngôn Ngân hàng Trung ương, ông Krejčí, nhắc lại: “Nói chung, trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ pháp lý gây thiệt hại hoặc tổn hại cho ai đó, người bị hại có thể yêu cầu bồi thường thông qua con đường pháp lý.”
Tuy nhiên, các tranh chấp như vậy ở Cộng hòa Séc hầu như rất hiếm gặp. Ông Štěpán Ciprýn từ văn phòng luật CIKR cho biết: “Việc từ chối thanh toán có thể bị coi là vi phạm dân sự, rất hiếm khi bị xem là tội phạm hình sự. Số trường hợp ai đó thành công trong việc yêu cầu bồi thường rất ít, đặc biệt là vì đây thường là các khoản thanh toán nhỏ và tổn thất không lớn, việc đòi bồi thường thường không hiệu quả và không kinh tế.”
Theo ông, việc chứng minh có thiệt hại xảy ra và nguyên nhân là do từ chối nhận tiền mặt là rất khó khăn. “Chúng ta có thể dự đoán rằng những rủi ro pháp lý lớn nhất có thể phát sinh trong những trường hợp các tổ chức cung cấp dịch vụ thiết yếu từ chối thanh toán bằng tiền mặt. Ví dụ như bệnh viện, bưu điện, nhà thuốc hoặc các cơ quan công quyền,” ông Ciprýn bổ sung.
Theo Novinky
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này