Cộng hòa Séc hiện có số người vô gia cư sống trực tiếp trên đường phố tính theo đầu người cao nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Xét về số lượng người sống trong các nhà tạm trú ban đêm hoặc trại tị nạn, Séc đứng thứ ba tệ nhất trong toàn bộ các quốc gia. Theo các chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính là tình trạng nhà ở không thể tiếp cận được.
Cộng hòa Séc giữ vị trí không mấy tốt đẹp về số người sống lang thang trên đường phố. Trên mỗi 100.000 dân, có tới 86 người sống ở ngoài đường, tổng cộng gần 10.000 người. Những người sử dụng nhà tạm trú hoặc nhà tị nạn chiếm 198 người trên 100.000 dân, tức hơn 21.000 người.
Về tổng số người gặp khó khăn về nhà ở, Séc đứng thứ ba, chỉ sau Vương quốc Anh và Pháp, nơi số người gặp tình trạng này trong 10 năm qua gần như đã tăng gấp đôi.
Theo ông Aleš Strnad, người đứng đầu chi nhánh tổ chức Naděje tại Praha, cho biết, tình hình khác nhau ở từng vùng và nơi không có đủ chỗ trú. Như ở Praha, chỗ trú đêm phần lớn là có sẵn, nhưng điều Séc đang thiếu là các chỗ trú hoạt động 24/7.
Theo chuyên gia kinh tế Petr Studnička, những người gặp vấn đề là do họ không giải quyết được các khó khăn cá nhân, như nợ tiền thuê nhà hoặc nhiều lần bị thi hành án, và chính điều đó đã đưa họ vào những rắc rối lớn.
Các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến số lượng người vô gia cư cao ở Cộng hòa Séc là do khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở — tức là nguồn cung căn hộ thấp và giá thuê tăng cao. Tình hình còn trở nên nghiêm trọng hơn do cuộc khủng hoảng năng lượng gần đây. Một vấn đề khác là thuế cao đánh vào những người có thu nhập thấp. Để đủ sống đến cuối tháng, nhiều người phải tiết kiệm, ví dụ như khi mua thực phẩm.
“Cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài tương đối lâu và nhiều người không hiểu rõ hệ thống trợ cấp xã hội của nhà nước. Điều đó có nghĩa là họ thường không nộp đơn xin trợ cấp nhà ở hay trợ cấp sinh hoạt,” ông Studnička giải thích.
Trên đường phố, số người trẻ vô gia cư và các cụ già không thể tự trả tiền thuê nhà ngày càng tăng.
“Dĩ nhiên, có cả những người cô đơn không thể gánh nổi chi phí sinh hoạt tăng cao. Họ không kịp xin giúp đỡ hoặc các cơ quan chức năng không phát hiện được vấn đề của họ,” ông Strnad cho biết.
Trong các nước OECD, Nhật Bản có tình hình tốt nhất với chỉ 2 người gặp khó khăn về nhà ở trên mỗi 100.000 dân.
Theo TN Nova
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này