Theo dữ liệu được Bộ Lao động Séc công bố, nền kinh tế Séc đang hưởng lợi từ việc hỗ trợ Ukraine. Trong khuôn khổ hỗ trợ người tị nạn Ukraine, thu nhập của nhà nước Séc tiếp tục tăng trong khi chi phí lại giảm.
Theo Bộ Lao động, các dữ liệu là kết quả mô phỏng theo mô hình. Chi phí của nhà nước bao gồm trợ cấp nhân đạo, y tế, giáo dục, hỗ trợ quốc tế và chỗ ở. Nguồn thu của nhà nước đến từ các khoản đóng bảo hiểm, thuế giá trị gia tăng (DPH), thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế thu nhập. Theo đó, những người tị nạn Ukraine đang làm việc tại Séc đã đóng góp 6,9 tỷ korun cho nhà nước Séc, trong khi đó nhà nước chỉ chi 3,8 tỷ korun.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Marian Jurečka, vào tháng 4 năm nay có 158.000 người thuộc chế độ bảo vệ tạm thời đang làm việc, tăng đáng kể so với 2 năm trước. Bộ trưởng cho biết rằng, Séc là quốc gia có tỷ lệ người nhận bảo vệ tạm thời tham gia thị trường lao động cao nhất trong Liên minh châu Âu.
Theo số liệu được Bộ trưởng Bộ Lao động công bố, kể từ đầu năm 2023, nhà nước Séc đã chi tổng cộng 41,3 tỷ korun để hỗ trợ người tị nạn, trong khi thu về 49,8 tỷ korun từ những người lao động nhận chế độ bảo vệ tạm thời. Tổng cộng từ năm 2022 đến nay, chi tiêu cho hỗ trợ người tị nạn cao hơn tổng thu khoảng 3,9 tỷ korun.
Trợ cấp nhân đạo – dành cho các hộ gia đình tị nạn có thu nhập dưới mức sống tối thiểu và chi phí nhà ở quy định – được 86.000 người nhận trong tháng 4, trong đó hơn một nửa là trẻ em. 17% còn lại là người cao tuổi, người khuyết tật hoặc những người chăm sóc họ.
Số người nhận trợ cấp đang giảm liên tục: năm 2024 là 94.000 người, năm 2023 149.000 người, và trong năm đầu tiên của chiến tranh là 234.000 người. Theo Bộ trưởng, hệ thống này rất hiệu quả và có khả năng nhắm đến sự hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương nhất.
Nguồn: ČT24
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này