Nước Pháp vừa trải qua tháng 6 nóng thứ hai trong lịch sử, trong khi nhiều nơi khác tại châu Âu cũng bị ảnh hưởng bởi sức nóng hè năm nay.
Ngày 2.7, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái, Đa dạng sinh học, Rừng, Biển và Thủy sản Pháp Agnes Pannier-Runacher cho biết đã ghi nhận 2 trường hợp thiệt mạng do bệnh liên quan sốc nhiệt, nắng nóng gần đây.
AFP dẫn lời nữ bộ trưởng thông tin rằng hơn 300 người đã được lực lượng cứu hỏa điều trị liên quan nắng nóng, trong khi 2 người tử vong.

Theo Bộ trưởng Pannier-Runacher, tháng 6.2025 là tháng 6 nóng thứ hai trong lịch sử tại Pháp, từ khi dữ liệu này được ghi nhận từ năm 1900. Tháng 6 nóng nhất là vào năm 2003.
Nhiệt độ cao nhất tại thủ đô Paris ngày 1.7 được ghi nhận là 40 độ C. Trong ngày, khoảng 2.200 trường học đóng cửa trên toàn nước Pháp vì nắng nóng. Những kỷ lục nhiệt độ cũng được ghi nhận trong ngày 1.7 tại Bồ Đào Nha và Hà Lan.
Đợt nắng nóng bất thường đang diễn ra tại châu Âu được cho là gây ra bởi hiện tượng mái vòm nhiệt, xảy ra khi một vùng áp suất cao kéo dài trên khu vực rộng lớn, giữ lại không khí nóng.

Các quan chức Tây Ban Nha cho biết một vụ cháy rừng xảy ra tại vùng Catalonia hôm 1.7 đã làm 2 người thiệt mạng, thiêu cháy nhiều cánh đồng và ảnh hưởng khu vực trải dài khoảng 40 km, theo Reuters.
Cơ quan khí tượng AEMET của Tây Ban Nha đầu tuần này thông báo tháng 6 vừa qua là tháng 6 nóng nhất từng được ghi nhận tại quốc gia này.
Tại Thụy Sĩ, công ty điện lực Axpo đã tắt một trong số các lò phản ứng tại nhà máy điện hạt nhân Beznau vào ngày 1.7 do nhiệt độ nước sông tăng cao vì nắng nóng. Lò phản ứng còn lại vẫn hoạt động nhưng với công suất thấp hơn.
Nhà máy này sử dụng nguồn nước tại sông Aare để làm mát và sau đó xử lý và xả trở lại sông. Khi thời tiết nóng, công ty thường hạn chế hoạt động để không làm nước sông ấm hơn, tránh nguy cơ cho động thực vật dưới nước.
Trang Swissinfo.ch dẫn thông báo của Axpo cho biết nhiệt độ nước sông Aare ở hạ nguồn nhà máy Beznau đã lên mức 25 độ C trong ngày 30.6.

Tại thủ đô Prague của Cộng hòa Czech, nhiệt độ cao nhất ngày 1.7 lên trên 34 độ C. Sở thú của thành phố này đã mang 10 tấn đá lạnh để giải nhiệt cho cặp gấu Bắc cực được nuôi tại đây, theo Euronews.
Tại thành phố Franfurt của Đức, nhiệt độ cao nhất được dự báo trong ngày 2.7 là 40 độ C nhưng sẽ giảm còn 27 độ C vào ngày 3.7. Các nước như Tây Ban Nha hay Ý phải chờ đến cuối tuần mới hạ nhiệt, theo AFP.
Nguồn: Thanh niên
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này