Châu Âu đang lo lắng theo dõi khi Mỹ cảnh báo về một "tuần quan trọng" đối với Ukraine. DW (Đức) đưa tin rằng, dựa trên các tài liệu rò rỉ, Mỹ và châu Âu đang bất đồng quan điểm về phương thức chấm dứt xung đột Nga-Ukraine.

Tuyên bố đơn phương của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc nước này ngừng bắn trong 3 ngày, từ ngày 8/5 đến ngày 11/5, trùng với dịp lễ kỷ niệm 80 năm chiến thắng phát xít, đã không nhận được hoan nghênh ở Brussels.
Người phát ngôn về đối ngoại và an ninh của Ủy ban châu Âu (EC) Anitta Hipper ngày 29/4 khẳng định: “Nga có thể ngừng tấn công và ném bom bất cứ thời điểm nào. Vì vậy, hoàn toàn không cần phải đợi đến ngày 8/5”.
Trước đó, vào ngày 24/4, trong bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump phàn nàn: “Tôi không hài lòng với các cuộc tấn công nhằm vào Kiev". Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh những hành động này là không cần thiết và xảy ra "không đúng thời điểm”.
Quyết định ngừng bắn3 ngày của Nga cũng diễn ra sau diễn biến các quan chức châu Âu họp với đại diện Ukraine tại London (Anh) cũng như cuộc gặp giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và nhà lãnh đạo Mỹ Trump tại Vatican nơi diễn ra lễ tang của Giáo hoàng Francis. Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Trump và người đồng cấp Ukraine Zelensky đã có cuộc trao đổi "rất hiệu quả"
Với việc Ngoại trưởng Marco Rubio gọi đây là "tuần quan trọng", Mỹ cho biết hiện đang cân nhắc liệu có nên từ bỏ hoàn toàn các nỗ lực làm trung gian hòa bình hay không khi sau 100 ngày ông Trump nhậm chức, hòa bình cho xung đột Ukraine-Nga vẫn chưa có tiến triển rõ ràng.
Khi nhiều lãnh đạo thế giới chuẩn bị đổ về Vatican để dự tang lễ của Giáo hoàng Francis, hãng thông tấn Reuters (Anh) đã công bố hai thông tin rò rỉ: một kế hoạch ngừng bắn có khả năng do Mỹ đưa ra sau các cuộc đàm phán với Nga và Ukraine, còn lại là kế hoạch đối phó do các quan chức châu Âu và Ukraine soạn thảo.
Các văn bản đối lập cho thấy Mỹ và châu Âu không cùng quan điểm đối với những điều kiện để chấm dứt xung đột.
Trong khi tài liệu do Mỹ soạn thảo dự kiến Mỹ sẽ công nhận Bán đảo Crimea thuộc về Nga, thì văn bản của châu Âu chỉ đơn giản đề cập rằng các vấn đề lãnh thổ nên được giải quyết sau khi ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện.
Kế hoạch của châu Âu-Ukraine cũng nêu rõ không nên hạn chế quân đội Ukraine, song song với đó yêu cầu Mỹ bảo đảm an ninh mạnh mẽ tương tự như Điều 5 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Điều 5 của NATO quy định nguyên tắc phòng thủ tập thể, theo đó, các nước thành viên cam kết bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một nước bị tấn công.
Ngược lại, tài liệu của Mỹ mà Reuters tiếp cận được lại đề cập Ukraine sẽ không tìm cách gia nhập NATO và Kiev sẽ nhận được "bảo đảm an ninh mạnh mẽ". Ngoài ra, Mỹ sẽ dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Nga. Còn văn bản của châu Âu cho biết các lệnh trừng phạt của Mỹ chỉ nên nới lỏng "dần dần sau khi đạt được hòa bình bền vững".
Chuyên gia phân tích tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu Camille Grand chia sẻ với DW: “Điều khiến tôi ấn tượng trong những ngày gần đây là châu Âu đang bắt đầu nêu rõ những gì họ muốn”.
Các quan chức châu Âu và Mỹ vẫn bất đồng về việc liệu và làm thế nào Washington có thể cung cấp "tấm chắn" để bảo vệ lực lượng gìn giữ hòa bình châu Âu trong kịch bản họ được triển khai tại Ukraine hậu xung đột.
Chuyên gia Almut Moller tại trung tâm nghiên cứu European Policy Center (Bỉ), cho rằng những nỗ lực của châu Âu đã được ghi nhận. Bà lập luận: "Hành động khẳng định chúng tôi sẵn sàng tăng cường tham gia, chúng tôi ở đây để đóng góp thực tế vào an ninh châu Âu là tín hiệu mạnh mẽ nhất cho Mỹ rằng châu Âu đã nghe thấy lời kêu gọi từ bên kia đại dương”.
“Nhưng liệu điều này có đảm bảo một chỗ ngồi trong các cuộc đàm phán không? Không”, bà Almut Moller kết luận.
Với việc Mỹ đang đe dọa sẽ rời khỏi bàn đàm phán hoàn toàn, ưu tiên của châu Âu có thể là giữ Washington ở lại và sẵn sàng lắng nghe Kiev.
Trong kịch bản Mỹ rời khỏi bàn đàm phán, thật khó để hình dung ra một Kế hoạch B rõ ràng cho các quốc gia châu Âu vốn thường cam kết sát cánh cùng Ukraine "cho đến khi nào cần thiết" mà không nêu rõ chính xác kế hoạch đó như thế nào. EU có thể duy trì sự ủng hộ chính trị và quân sự cho Ukraine.
Theo bà Hipper, khối này đã cam kết hỗ trợ khoảng 23 tỷ euro (26,2 tỷ USD) cho Kiev trong năm nay.
Nhưng với việc quân đội Ukraine và châu Âu vẫn phụ thuộc rất nhiều vào năng lực hậu cần, vệ tinh và tình báo của Mỹ, nhiều nhân vật tại châu Âu vẫn coi việc phải tự hành động là kịch bản tồi tệ nhất.
Nguồn: TTXVN
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này