Nhân loại sắp chứng kiến một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử Trái đất: Ngày ngắn nhất từng được ghi nhận.
Theo cảnh báo từ các nhà khoa học, Trái đất đang quay nhanh hơn bình thường, dẫn đến việc thời gian của một ngày có thể bị rút ngắn xuống chỉ còn dưới 24 giờ - một thay đổi tưởng chừng rất nhỏ nhưng có thể tạo ra hệ lụy lớn đối với các hệ thống công nghệ hiện đại.
Theo nhà vật lý thiên văn Graham Jones thuộc Đại học London (Anh), ba mốc thời gian đáng chú ý đang được các chuyên gia đặc biệt theo dõi là ngày 9/7, 22/7 và 5/8/2025. Trong những ngày này, Trái Đất được dự đoán sẽ hoàn thành một vòng quay quanh trục nhanh hơn từ 1,30 đến 1,51 mili-giây so với chu kỳ 24 giờ tiêu chuẩn.
"Nghe thì có vẻ không đáng kể", ông Jones nói. "Nhưng những sai số nhỏ như vậy có thể khiến hệ thống định vị GPS, mạng viễn thông và thậm chí thị trường tài chính toàn cầu gặp trục trặc".
Thông thường, theo quy luật lâu dài trong hàng triệu năm, Trái đất quay chậm dần lại do lực hấp dẫn từ Mặt trăng làm giảm tốc độ quay và hiện tượng này đã giúp hình thành chu kỳ ngày - đêm 24 giờ như hiện tại. Nhưng kể từ năm 2020, một điều kỳ lạ đã xảy ra: Trái đất bắt đầu quay nhanh hơn, đảo ngược xu thế kéo dài hàng triệu năm.
Đáng chú ý nhất là vào ngày 5/7/2024, Trái đất đã trải qua ngày ngắn nhất từng được ghi nhận, khi thời gian quay chỉ còn 23 giờ 59 phút 59,99834 giây, tức nhanh hơn 1,66 mili-giây so với bình thường.
Nhà khoa học Leonid Zotov từ Đại học Quốc gia Moscow (Nga) cho biết: "Không ai dự đoán được điều này. Nguyên nhân chính xác của hiện tượng tăng tốc vẫn chưa được làm rõ".
Hiện nay, giới khoa học đang tập trung nghiên cứu nhiều yếu tố tự nhiên có thể ảnh hưởng đến tốc độ quay của hành tinh xanh. Một giả thuyết đáng chú ý cho rằng sự chuyển động của lõi sắt nóng chảy bên trong Trái đất có thể là thủ phạm. Sự thay đổi vị trí của khối lượng khổng lồ này giống như cách một vận động viên trượt băng xoay người nhanh hơn khi thu tay vào người, có thể làm tăng tốc độ quay của hành tinh.
Ngoài ra, các yếu tố khác như dòng hải lưu, gió tầng cao và sự tái phân bố khối lượng trên bề mặt địa cầu do biến đổi khí hậu hoặc động đất cũng có thể góp phần.
Dù chỉ là sự thay đổi trong vài phần nghìn giây, điều này không hề nhỏ trong thế giới hiện đại. Hệ thống GPS toàn cầu, mạng truyền thông, giao dịch tài chính và thậm chí cả ứng dụng điện thoại thông minh đều phụ thuộc vào việc đồng bộ thời gian tuyệt đối.
Trái đất hiện đang sử dụng hệ thống thời gian quốc tế UTC (Coordinated Universal Time), với các điều chỉnh "giây nhuận" được thêm vào khi hành tinh quay chậm. Tuy nhiên, nếu Trái đất tiếp tục quay nhanh hơn, một điều chưa từng xảy ra có thể phải thực hiện: rút bớt một giây khỏi đồng hồ thế giới, còn gọi là giây nhuận âm - một sự điều chỉnh cực kỳ hiếm và có thể gây rối loạn hệ thống toàn cầu.
Cuộc chạy đua với thời gian của các nhà khoa học
Các nhà nghiên cứu hiện đang sử dụng đồng hồ nguyên tử - thiết bị đo thời gian chính xác nhất thế giới để theo dõi sự thay đổi trong "độ dài ngày" (Length of Day - LOD). Cùng lúc, các trung tâm quan sát như Đài quan sát Hải quân Hoa Kỳ và các cơ quan quốc tế chuyên về vòng quay Trái đất đang rà soát từng biến động nhỏ nhất.
Một câu hỏi lớn đang được đặt ra: Đây chỉ là một biến động tạm thời, hay là sự thay đổi lâu dài trong cơ chế vận hành của Trái đất?
Không chỉ dừng lại ở giá trị khoa học, hiện tượng Trái đất quay nhanh hơn còn khiến công chúng tò mò và lo lắng. Liệu đây là dấu hiệu của sự thay đổi lớn nào đó đang âm thầm diễn ra bên dưới lớp vỏ địa cầu? Hay là hệ quả tiềm tàng của biến đổi khí hậu và những hoạt động của con người trong thời gian qua?
Trong khi giới khoa học vẫn đang miệt mài tìm lời giải, công chúng trên toàn thế giới có lẽ sẽ dõi theo ngày 9/7, 22/7 và 5/8/2025 với một cảm giác vừa hồi hộp, vừa bất an - khi Trái đất có thể "tăng tốc" như chưa từng có trong lịch sử.
Một ngày có thể ngắn hơn một cái chớp mắt, nhưng hậu quả của nó thì có thể kéo dài hàng thập kỷ.
(Nguồn: VTV)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này