Trẻ em tại Séc hiện đang yêu thích theo dõi một bộ phim truyền hình bạo lực và ngay cả học sinh tiểu học cũng đang theo dõi bộ phim này. Các nhà tâm lý học kêu gọi các bậc phụ huynh không nên để trẻ em tiếp xúc với nội dung bạo lực và cần tăng cường giám sát con em mình.
Bộ phim truyền hình bạo lực Trò chơi con mực (Squid Game) mô tả các nhân vật thi đấu trong những trò chơi trẻ em với hình phạt cho người thua là cái chết. Mặc dù bộ phim dành cho khán giả từ 16 tuổi trở lên, nó vẫn thu hút cả những trẻ nhỏ hơn.
Theo chuyên gia tâm lý học trẻ em Václav Mertin cho biết, trẻ em bị cuốn hút vì cảm giác hồi hộp, kịch tính. Điều đó rất nguy hiểm – không chỉ với những trò chơi như thế này mà còn với tất cả những gì mang tính rủi ro đối với trẻ.
Việc học sinh tiểu học và trung học cơ sở cũng theo dõi bộ phim có yếu tố bạo lực này đã được một số hiệu trưởng xác nhận. Ông David Marek, hiệu trưởng trường tiểu học Donovalská ở Praha, cho biết, các em xem phim, bắt chước một số hành động và chơi những trò chơi xuất hiện trong phim. Chính phụ huynh là người cho phép các em xem.
Nhà trường đã phải nhờ đến các chuyên gia can thiệp về việc học sinh xem phim đầy bạo lực. Theo ông Marek, cần phải giải thích cho trẻ hiểu nội dung và ý nghĩa thực sự của bộ phim. Nhân viên tư vấn của trường cũng đã tìm hiểu xem trẻ biết đến bộ phim từ đâu, đã xem ở đâu và ai là người cho phép.
Một số trường học còn gửi email đến phụ huynh, đề nghị họ trò chuyện với con em mình về bộ phim. Theo chuyên gia tâm lý học Karel Rajchl, đây là một bộ phim có chứa cảnh bạo lực cực đoan, tàn nhẫn và gây căng thẳng tâm lý – điều này có thể gây sang chấn cho trẻ nhỏ. Các em có thể bắt chước hành vi bạo lực trong môi trường học đường.
Tình trạng bạo lực trong trường học hiện cũng đang được cảnh sát điều tra. Phát ngôn viên của Tổng cục Cảnh sát, ông Ondřej Moravčík cho biết, từ đầu năm nay, cảnh sát đã xác minh 158 trường hợp sử dụng vũ khí hoặc đe dọa sử dụng vũ khí trong trường học.
Theo các chuyên gia tâm lý, điều quan trọng là cần trò chuyện với trẻ em về các nội dung bạo lực trên truyền hình và giải thích cho các em hiểu rằng đó chỉ là những cảnh quay dàn dựng, không phản ánh thực tế.
Nguồn: CNN Prima NEWS
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này