Nhà nước đang chuẩn bị những thay đổi đáng kể liên quan đến việc cấp dưỡng nuôi con. Theo đề xuất mới, các bậc cha mẹ đơn thân sẽ có thể bán khoản nợ cấp dưỡng mà người còn lại chưa thanh toán cho bên thứ ba. Tuy nhiên các chuyên gia cảnh báo rằng, biện pháp này có thể khiến những gia đình đang gặp khó khăn tài chính chịu thiệt.
Theo đề xuất đã được Hạ viện thông qua và hiện đang được trình lên Thượng viện, các bậc cha mẹ đơn thân sẽ nhận được tiền nợ cấp dưỡng ngay lập tức từ người mua khoản nợ với đầy đủ số tiền. Sau đó người mua khoản nợ sẽ chịu trách nhiệm đòi tiền từ người nợ. Theo Bộ Tư pháp, mục tiêu cơ bản là chuyển xung đột ra khỏi gia đình, ra khỏi môi trường giữa những người bạn đời, cha mẹ của đứa trẻ, sang một môi trường khác, giữa một bên thứ ba và người không trả tiền cấp dưỡng.
Khoản tiền cấp dưỡng sẽ được bán với giá trị đầy đủ của khoản nợ. Số tiền này sẽ được chuyển khoản không dùng tiền mặt vào tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các phụ huynh đơn thân sẽ phải chịu thiệt và có thể nhận được khoản tiền ít hơn. Các công ty thu nợ cũng tỏ ra hoài nghi về đề xuất này. Họ không được trang bị công cụ để có thể đòi nợ một cách hiệu quả.
Theo quyết định của tòa án, trong 5 năm qua gần 300 nghìn trẻ em ở Séc được hưởng tiền cấp dưỡng. Tuy nhiên, các nhân viên thi hành án chỉ thu hồi được chưa đầy 7% số tiền nợ từ tất cả các trường hợp. Tại Séc, hàng nghìn cha mẹ không trả tiền cấp dưỡng, và trách nhiệm đó thường do nhà nước gánh vác. Hiện có hơn 12 nghìn gia đình đang nhận khoản cấp dưỡng thay thế. Tuy nhiên, số trường hợp thực tế còn cao hơn, vì nhiều người chưa được tòa án quy định về mức cấp dưỡng. Mức tiền cấp dưỡng phụ thuộc vào độ tuổi của trẻ và thu nhập của cha hoặc mẹ có nghĩa vụ trả.
Theo TN Nova
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này