Dự luật đưa Hiệp ước Di cư của EU vào hệ thống pháp luật của Cộng hòa Séc cùng với một số thay đổi về quy định khác đang được các nghị sĩ Séc thảo luận với tốc độ bất thường. Dự thảo lần 1 đã diễn ra vào giữa tháng 4, vào thứ Ba Ủy ban An ninh đã khuyến nghị thông qua văn bản và trong tuần này, dự luật có thể tiếp tục được xem xét ở lần bỏ phiếu thứ hai.
Người thúc đẩy dự luật này là Bộ trưởng Nội vụ Vít Rakušan (STAN), vì theo kế hoạch, Cộng hòa Séc và các quốc gia thành viên EU khác phải tích hợp hiệp ước vào luật quốc gia trước tháng 6 năm 2026. Tuy nhiên, dự luật vẫn có thể vấp phải sự phản đối tại Hạ viện, vì đảng đối lập mạnh nhất – ANO – công khai tuyên bố rằng họ không đồng ý với Hiệp ước Di cư cũng như dự luật này.
Theo dự thảo luật, một người bị đưa vào trại tạm giam tại sân bay sẽ được xem là chưa chính thức đặt chân lên lãnh thổ Liên minh châu Âu. Điều này sẽ giúp việc trục xuất người đó trở về nước dễ dàng hơn.
Theo dự luật, người nước ngoài bị trục xuất sẽ không được phép xin tị nạn, nhằm tránh việc kéo dài thời gian rời khỏi Cộng hòa Séc một cách không cần thiết. Bộ trưởng Rakušan cho biết đây là sự thắt chặt các điều kiện đối với người di cư, cũng là một phần của việc thực thi thỏa thuận di cư.
Tuy nhiên, phong trào ANO đã bác bỏ ngay từ lần bỏ phiếu đầu tiên việc dự luật có thể được phê duyệt nhanh chóng, tức là không qua thẩm định của các ủy ban và hai lần bỏ phiếu tiếp theo. Cho đến nay, các đại biểu ANO vẫn tỏ ra dè dặt về Hiệp ước di cư. Thay vào đó họ sẽ tự đưa ra một số đề xuất sửa đổi và xem liệu có tìm được sự ủng hộ không. Nhưng ANO sẽ không ủng hộ toàn bộ dự luật với phiên bản hiện tại.
Các đại diện của phong trào ANO lâu nay tuyên bố rằng, nếu họ được vào chính phủ tiếp theo thì sẽ không tuân thủ thỏa thuận di cư. Họ chỉ trích điều khoản về nghĩa vụ đoàn kết - theo đó mỗi quốc gia sẽ phải hoặc tiếp nhận người di cư được phân bổ lại, hoặc đóng góp vào quỹ tài chính chung. Các nước sẽ có quyền lựa chọn giữa hai hình thức này.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Rakušan, các quốc gia xung quanh đang siết chặt chính sách di cư, và nếu Cộng hòa Séc vẫn đứng yên không hành động và không thực thi thỏa thuận, thì sẽ trở thành điểm thu hút người xin tị nạn.
Đồng thời, Cộng hòa Séc có thể đối mặt với các vụ kiện từ các thể chế của Liên minh châu Âu và nguy cơ bị phạt nếu không kịp tích hợp thỏa thuận di cư vào luật trong nước trước tháng 6 năm sau.
Thời gian dành cho các nhà lập pháp Séc đang dần rút ngắn, vì cuộc bầu cử Hạ viện sẽ diễn ra vào đầu tháng 10. Do đó, Bộ Nội vụ đã lựa chọn chiến thuật rút ngắn quy trình bằng cách không để chính phủ đề xuất dự luật về tị nạn, mà thay vào đó là nhóm các nghị sĩ – trong đó có Bộ trưởng Rakušan và Thủ tướng Petr Fiala (ODS) – đứng tên, giúp đẩy nhanh tiến độ lập pháp.
Nguồn: Novinky
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này