Cách đây hai tuần, vào khoảng giữa trưa, đèn giao thông tại một phần của Praha bỗng tắt, xe điện bị dừng lại và tủ lạnh ngừng hoạt động. Một sự cố rơi dây dẫn pha tại vùng Ústí dẫn tới việc người dân Praha bị cúp điện trong nhiều giờ. Hai trong ba trạm điện ngừng hoạt động. Cho đến nay, chính quyền thành phố vẫn chưa có giải pháp nhanh chóng nào để ngăn chặn các sự cố tương tự trong tương lai. Việc xây dựng trạm điện thứ tư – Praha-Sever – sẽ là giải pháp then chốt.

Việc xây dựng trạm này đã được chuẩn bị trong suốt 11 năm qua. Dự kiến, phải đến cuối năm 2027 dự án mới có thể vận hành.
Cho đến lúc đó, người dân Praha vẫn có nguy cơ phải đối mặt với sự cố mất điện – và có thể xảy ra ở những nơi ít mong muốn nhất, ví dụ như trong thang máy giữa hai tầng. "Trong sự cố vừa rồi, chúng tôi đã xử lý 88 trường hợp giải cứu người mắc kẹt trong thang máy,” người phát ngôn của lực lượng cứu hỏa Praha, ông Miroslav Řezáč, cho biết.
Ông nói thêm: "Trong trường hợp cabin thang máy dừng giữa tầng, tùy thuộc vào đời máy, nhà sản xuất và cấu trúc mà một số thang có hệ thống điều khiển khẩn cấp cho phép hạ cabin đến tầng gần nhất để giải thoát người kẹt bên trong.” Và còn rất nhiều nơi tiềm ẩn nguy hiểm như vậy.
Praha chưa được bảo vệ trước các sự cố mất điện diện rộng, nhưng người đi tàu điện ngầm hoặc cáp treo sẽ không bị mắc kẹt.
Metro – Tàu điện ngầm
Hệ thống metro là nơi tiêu thụ điện lớn nhất trong thành phố. Mọi hoạt động dưới lòng đất – từ vận hành tàu, thang cuốn đến hệ thống thông gió – đều cần điện. Dù người dân có thể ra khỏi các ga khi sự cố xảy ra, nhưng tàu điện đang đi trong hầm sẽ gặp khó khăn hơn.
Rất may, mạng lưới điện của metro được kết nối linh hoạt. Trong sự cố vừa rồi, do không ảnh hưởng trên toàn thành phố, công ty vận hành đã chuyển hướng dòng điện từ các khu vực còn điện sang khu vực bị ảnh hưởng thông qua các trạm biến đổi điện năng.
Nhờ thiết kế địa hình và quán tính, hành khách trên các đoàn tàu chưa vào ga chỉ bị kẹt trong thời gian ngắn.
"Chỉ 11 phút sau khi mất điện, hệ thống metro đã hoạt động trở lại trên các tuyến A và C. Tuyến B mất thêm khoảng 10 phút vì phải dẫn điện từ nhiều nguồn khác nhau để tránh quá tải khi tàu khởi động,” ông Daniel Šabík – trưởng bộ phận truyền thông của Công ty Giao thông Đô thị Praha (DPP) – cho biết.
Trong trường hợp điện bị cắt toàn bộ thành phố, metro vẫn có hệ thống máy phát điện dự phòng đủ vận hành để tàu đưa hành khách về ga và sơ tán khỏi lòng đất.
Bệnh viện
Với bệnh nhân nằm viện, mất điện không chỉ làm giảm sự thoải mái mà còn có thể khiến nhiều thủ thuật bị hoãn.
“Chúng tôi đã chuyển sang chạy bằng máy phát diesel, có sẵn nhiên liệu đủ cho 24 giờ hoạt động,” người phát ngôn của Bệnh viện Đại học Bulovka, bà Eva Stolejda Libigerová, thông báo. Trong tình huống đó, chỉ ưu tiên các ca mổ, bệnh nhân nội trú và các trường hợp khẩn cấp do xe cấp cứu đưa đến.
“Các ca mổ, khám định kỳ nằm trong kế hoạch đều bị tạm hoãn,” người phát ngôn Bệnh viện Đại học Královské Vinohrady, bà Tereza Romanová, nói.
Đường hầm giao thông
Với các tài xế, blackout có thể khiến họ giật mình khi ánh sáng trong hầm chuyển từ sáng sang hệ thống chiếu sáng khẩn cấp. Nhưng không ai bị mắc kẹt trong đường hầm cả.
Các hầm hiện đại đều có hệ thống máy phát dự phòng đủ vận hành thông gió, camera an ninh và biển báo giao thông cho tới khi sơ tán xong. Sau đó, hầm sẽ đóng cửa cho tới khi được cấp điện trở lại.
Các hầm cho người đi bộ hoặc xe đạp như hầm dưới Vítkov thì không có hệ thống dự phòng. Người đi qua phải dùng đèn điện thoại, bám sát tường và hướng về phía ánh sáng.
Tháp truyền hình Žižkov
Từ đỉnh tháp truyền hình Žižkov – tòa nhà cao nhất Praha (216 mét), không ai phải đi bộ xuống 768 bậc thang trong blackout. Vẫn có thể dùng thang máy.
“Cả tòa nhà có thể lập tức chuyển sang nguồn điện dự phòng nếu cần,” theo bà Anna Tůmová – người phát ngôn của Công ty Truyền thông Czech Radiokomunikace – đơn vị vận hành tháp. Tuy nhiên, lần này tháp không bị ảnh hưởng nên không phải kích hoạt hệ thống dự phòng.
Tắm vòi sen
Nếu sự cố mất điện xảy ra khi đang tắm, thì dù an toàn, tình huống đó chắc chắn sẽ rất khó chịu.
Hơn một nửa dân số Praha được cấp nước nhờ trọng lực, nhưng phần còn lại – khoảng 300.000 người – sống ở những khu phải dùng máy bơm để đưa nước vào hệ thống. Không phải tất cả các máy bơm đều có nguồn điện dự phòng.
“Nếu mất điện hoàn toàn, khoảng 300.000 người dân Praha sẽ không có nước. Khi đó, chúng tôi phải cung cấp nước đóng chai hoặc xe bồn thay thế,” ông Petr Mrkos – Tổng giám đốc Công ty Cấp thoát nước Praha – cho biết.
Khu vực dễ bị ảnh hưởng nhất là vùng đông bắc thành phố – ví dụ như Kbely hoặc Letňany. Ngoài ra, một số khu như Vinohrady hay Malešice cũng thiếu hệ thống dự phòng.
Cáp treo
Ý nghĩ bị treo lơ lửng trên dây cáp khi đang ngồi cáp treo là điều rất khó chịu – nhưng trường hợp đó không xảy ra với cáp treo của Vườn thú Praha.
Cáp treo tại Zoo Praha được trang bị máy phát điện dự phòng diesel, sẵn sàng kích hoạt khi mất điện.
Tuy nhiên, cáp treo đang sửa chữa tại Petřín thì không có hệ thống dự phòng – và sau sửa chữa cũng không trang bị thêm – vì không cần thiết. Trong trường hợp mất điện, hành khách có thể rời cabin bằng cầu thang thoát hiểm bố trí dọc theo tuyến đường.
(Theo Idnes)
Ghi rõ nguồn TAMDAMEDIA.eu khi phát hành lại thông tin từ website này